Chứng khoán châu Á đỏ lửa vì Mỹ - Trung

Chỉ số tại các thị trường lớn mất vài phần trăm sáng nay, do đòn thuế mới nhất Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau.
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh:AFP
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh:AFP

Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sáng nay giảm 2,36%. Kospi (Hàn Quốc) hiện mất 1,58%. Thị trường Trung Quốc vừa mở cửa cũng lao dốc. Shanghai Composite giảm 1,5%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 3,36%.

Chứng khoán Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore cũng  đi xuống với mức giảm hơn 1%. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương hiện mất 2,27%.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế thế giới. Họ đổ xô mua các công cụ trú ẩn như vàng, trái phiếu chính phủ, đồng thời bán tháo cổ phiếu.

Cuối tuần trước, Trung Quốc thông báo áp thuế trả đũa lên 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế dao động từ 5% đến 10%. Vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nâng thuế thêm 5% với khoảng 550 tỷ USD hàng Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 hôm qua, ông còn ám chỉ hối tiếc vì đã không đánh thuế Trung Quốc cao hơn.  

"Trump chưa cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng các chính sách thương mại cứng rắn", Adam Crisafulli – nhà phân tích tại JPMorgan nhận xét, "Các ngân hàng trung ương không thể chống đỡ hoàn toàn tác động từ chiến tranh thương mại toàn cầu. Các công ty sẽ ngừng chi tiêu, và sau này là ngừng tuyển dụng, ít nhất là đến kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020".

Phiên cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ cũng lao dốc vì căng thẳng Mỹ - Trung Quốc. DJIA mất 2,4%. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,6% và 3%. Đây là phiên tệ nhất của Wall Street kể từ ngày 14/8 và là tuần thứ 4 liên tiếp cả ba chỉ số đi xuống.

Giá vàng thế giới sáng nay tiếp tục lên đỉnh 6 năm. Ngay khi mở cửa, mỗi ounce tăng thêm gần 30 USD, lên 1.555 USD, sau đó giảm dần về 1.543 USD hiện tại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng xuống thấp nhất kể từ giữa năm 2016.

Trên thị trường dầu thô, giá cũng giảm do lo ngại thuế nhập khẩu kéo nhu cầu dầu đi xuống. Dầu Brent hiện giảm 1,1% xuống 58,68 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI giảm 1,37% xuống 53,43 USD.

Chuyên đề