Chính phủ các nước lo ngại tiền số có thể trở thành “tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ tiếp theo”

(BĐT) - Giới chức các nước trên khắp thế giới đang lo ngại tiền số có thể trở thành thiên đường thuế mới. Tuy nhiên, lo ngại này có vẻ đã quá muộn, bởi điều đó đã xảy ra.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

David Drake, chủ sở hữu của một quỹ quản lý tài sản có trụ sở tại New York (Mỹ), đã đầu tư hơn 10 triệu USD vào tiền số và công nghệ Blockchain. Anh ta sử dụng tiền số như một tài khoản ngân hàng nước ngoài – một nơi cất giữ lợi nhuận hợp pháp và giảm thuế của Mỹ.

Thủ tường Anh Theresa May và Thủ tướng Ấn Độ Narendrea Modi là hai trong những nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ cảnh báo về sự gia tăng của tiền số trong hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài. Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tháng này, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã kêu gọi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng nhau hợp tác để đảm bảo tiền số không phải là “tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ tiếp theo”. Mối lo ngại đến sau thành công của những chiến dịch triệt tiêu các thiên đường thuế đối với ngân hàng truyền thống.

Theo nghiên cứu của Foundation for Defense of Democracies (FDD), viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, những người áp dụng chiêu thức này đầu tiên là những kẻ tội phạm và nó đang ngày càng phổ biến. Tiếp theo là những người như Drake. Anh cho biết mình vẫn tuân theo luật Mỹ khi báo cáo đầy đủ tài sản mà công ty nắm giữ và nhận định việc giám sát tốt hơn sẽ giúp hợp pháp hóa ngành công nghiệp này.

Nhu cầu tìm kiếm nơi che giấu tài sản mới ngày càng cao sau khi giới chức trách Mỹ và châu Âu mạnh tay hơn với các ngân hàng truyền thống, bằng việc đưa ra những đạo luật chống rửa tiền hay luật “know your customer” buộc các tổ chức tài chính ở nước ngoài phải cung cấp thông tin khách hàng. Chiến dịch này đã khiến nhiều định chế tài chính buộc phải hạn chế khách hàng tiếp cận với hệ thống ngân hàng siêu bảo mật Thụy Sỹ.

Việc sử dụng tiền số để cất giữ tài sản ở nước ngoài đang biến đổi một cách nhanh chóng, với sự ra đời của những đồng tiền bí mật như ZCash và Monero, sử dụng các phương thức mã hóa để khó có thể truy tìm dấu vết. Theo Grayscale Investments, công ty cung cấp dịch dụ ủy thác ZCash cho các nhà đầu tư có trụ sở tại New York, có khoảng 10 nghìn tỷ USD được giấu ở nước ngoài và dự kiến đồng ZCash có thể chiếm 10% trong số đó vào năm 2025.

“Đây là lần đầu tiên bất cứ ai trên thế giới đều có thể cất giữ tiền một cách bí mật trong ngân hàng của riêng mình”, Matthew Beck, cộng sự tại Grayscale, cho biết. Mặc dù vậy, ông Beck cho biết ZCash vẫn cần được giảm sát bởi chỉnh phủ. “Chúng tôi nghĩ rằng, hệ sinh thái tiền số khó có thể phát triển mà không có những quy định.”

Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới, được ẩn danh song vẫn có thể truy tìm dấu vết bởi sổ cái điện tử Blockchain theo dõi mọi giao dịch. Mặc dù tất cả những thông tin về người mua và người bán đều được mã hóa, nhưng cơ quan thực thi pháp luật đã phát triển ra công nghệ để theo dõi và tịch thu Bitcoin bất hợp pháp.

Giới nghiên cứu tại FDD đề xuất chính phủ các nước cần theo dõi chặt chẽ và ngăn chặn các hoạt động tội phạm liên quan đến tiền số, đồng thời tôn trọng những đổi mới của hệ thống tài chính.

“Có lẽ chúng ta cần phải xem xét những bài học rút ra từ các hệ thống thanh toán khác”, Yaya Fanusie, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. “Khi thẻ tín dụng ra đời, đã có sự lạm dụng, có những gian lận, nhưng chúng ta đã tìm ra cách để đối phó với những vấn đề này.”

Hoạt động rửa tiền thông qua các ATM Bitcoin, sàn giao dịch, các trang web đánh bạc và những nơi cung cấp dịch vụ chuyển đổi các đồng tiền số đã tăng vọt trong khoảng thời gian từ 2013-2016.

Nghiên cứu của FDD cũng chỉ ra các dịch vụ chuyển đổi tại châu Âu chiếm tỷ lệ cao nhất đối với Bitcoin bất hợp pháp, gấp 5 lần so với các dịch vụ ở Bắc Mỹ. Trong khi châu Á mặc dù có lượng giao dịch tiền số cao nhất nhưng lại có tỷ lệ Bitcoin bất hợp pháp ở mức thấp. 

Chuyên đề