Chiến thuật giúp tên lửa Nam Tư hạ gục máy bay tàng hình Mỹ

Khẩu đội tên lửa S-125 già cỗi của Nam Tư sử dụng thủ thuật thông minh để bắn hạ chiếc máy bay tàng hình F-117A tối tân của Mỹ vào ngày 27/3/1999.
Máy bay tàng hình F-117 của không quân Mỹ. Ảnh: USAF
Máy bay tàng hình F-117 của không quân Mỹ. Ảnh: USAF

Trong chiến dịch không kích Nam Tư kéo dài 78 ngày đêm do NATO phát động, Không quân Mỹ đã triển khai máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất khi đó là F-117A Nighthawk. Năm 1999, một khẩu đội tên lửa S-125 Pechora của Nam Tư đã lập kỳ tích khi lần đầu tiên và duy nhất bắn hạ thành công chiếc máy bay tàng hình hiện đại này, theo Aviationweek.

Máy bay F-117A được phát triển trong thập niên 1970, bắt đầu biên chế năm 1983 và ra quân lần đầu vào năm 1989 tại Panama. Nó được coi là một trong những khí tài hiện đại nhất của Mỹ trong thập niên 1990. Trong khi đó, hệ thống phòng không của Nam Tư lại khá lạc hậu, chủ yếu là các tổ hợp S-125 Pechora ra đời từ thập niên 1960. Người Mỹ tin rằng phía Nam Tư không có cách nào để phát hiện các máy bay F-117A.

Với niềm tin đó, tối 27/3/1999, chiếc F-117A mang mật danh "Vega 31" do trung tá phi công Dale Zelko điều khiển cất cánh thực hiện nhiệm vụ ném bom Belgrade mà không có đội hình tiêm kích đi theo hộ tống.

Tuy nhiên, phía Mỹ không hề biết rằng lực lượng phòng không Nam Tư đã tìm ra phương pháp để bắn hạ F-117A. Họ can thiệp vào hệ thống của S-125, để radar trinh sát hoạt động trên băng sóng dài hơn thiết kế của nhà sản xuất.

Máy bay F-117A được phủ lớp sơn đặc biệt, có thể hấp thụ hiệu quả các loại tín hiệu radar bước sóng ngắn, và tán xạ phần tín hiệu còn lại ra ngoài, khiến hình ảnh máy bay trên màn hình radar trở nên "vô hình". Tuy nhiên, với radar bước sóng dài đã được chỉnh sửa của Nam Tư, chiếc Nighthawk có nguy cơ bị lộ diện lớn hơn, nhất là khi mở khoang chứa vũ khí để ném bom.

Người Nam Tư còn lợi dụng mạng lưới tình báo để phát hiện khi nào những chiếc F-117A xuất kích. Tín hiệu liên lạc của NATO cũng bị quân đội Nam Tư chặn thu và giải mã, giúp lực lượng phòng không bố trí đón lõng đường bay của đối phương.

Để tránh bị phía NATO phát hiện vị trí và tấn công trả đũa, khẩu đội S-125 thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn tên lửa phòng không 250 của đại tá Zoltan Dani chỉ được phép bật radar tối đa trong 17 giây.

Tổ hợp tên lửa S-125 đã bắn hạ chiếc F-117A. Ảnh: Wikipedia.

Lúc 8h15 tối, chiếc F-117A của trung tá Zelko bị phát hiện từ khoảng cách 50-60 km. Ở khoảng cách 13 km, khi Zelko mở khoang chứa bom, tín hiệu radar bắt được rất rõ mục tiêu và hai quả tên lửa được liên tiếp phóng lên.

Trung tá Zelko kể lại rằng quả tên lửa S-125 đầu tiên bay sát sạt máy bay nhưng không phát nổ, chỉ khiến chiếc F-117A rung lắc mạnh. Tuy nhiên, quả thứ hai đã phát nổ và phá hủy chiếc máy bay. Vụ nổ được thấy rõ bởi một chiếc máy bay trinh sát KC-135 của NATO ở khoảng cách hàng chục km. Chính Zelko sau này thừa nhận đó là một phát bắn rất đẹp.

Chiếc F-117A mất điều khiển và rơi cắm đầu xuống đất. Zelko nhảy dù ra ngoài và lập tức liên lạc với lực lượng cứu hộ, bất chấp quy định cấm sử dụng radio trong trường hợp bị bắn rơi. Ông tiếp đất an toàn và trốn vào một con mương cây cối rậm rạp để tránh lực lượng Nam Tư truy lùng. 8 tiếng sau, trực thăng của Mỹ tìm thấy và đưa phi công này trở về.

Chiếc máy bay của Zelko vẫn còn khá nguyên vẹn khi được lính Nam Tư tìm thấy trên mặt đất. Một số mảnh xác được trưng bày tại bảo tàng hàng không ở Belgrade, phần còn lại được chuyển cho Nga và Trung Quốc để nghiên cứu. Chỉ hơn một tháng sau đó, Lữ đoàn 250 lại bắn hạ một máy bay F-16 của Mỹ.

10 năm sau, con trai của đại tá Dani nhìn thấy thông tin về phi công Mỹ Zelko trên mạng và nảy ra ý tưởng để hai người gặp gỡ. Tới năm 2011, Zelko bay tới Serbia để gặp đại tá Dani, người đã giải ngũ và trở thành thợ làm bánh. Kể từ đó, hai người đã trở thành bạn tốt của nhau.

Trung tá Zelko (áo đỏ) và đại tá Dani (áo xám) trong một cuộc gặp gỡ. Ảnh:Warhistoryonline.

Chuyên đề