Chiến thuật dồn ép Malaysia của Triều Tiên

Với việc cấm công dân Malaysia xuất cảnh, Bình Nhưỡng hy vọng có thể buộc Kuala Lumpur chịu đàm phán để dàn xếp vụ nghi án Kim Jong-nam.

Đại sứ Triều Tiên Kang Chol (giữa) trước khi bị trục xuất khỏi Malaysia. Ảnh:NST

Việc Triều Tiên hôm qua ra lệnh cấm công dân Malaysia rời khỏi nước này không chỉ làm gia tăng nhanh chóng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur, mà còn là một biểu hiện nữa của chiến thuật dồn ép ngoại giao điển hình của Bình Nhưỡng, theo Nikkei.

Triều Tiên kích hoạt chiến thuật đó bằng việc ra thông báo cấm tất cả người Malaysia đang có mặt ở nước này được xuất cảnh. Động thái này được đưa ra sau khi Malaysia quyết định trục xuất đại sứ Triều Tiên vì sự không hợp tác trong cuộc điều tra nguyên nhân cái chết của Kim Chol, người mang hộ chiếu Triều Tiên bị nghi là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Bình luận viên Wataru Yoshida và Koichi Kato cho rằng đây là biện pháp mạnh mà Triều Tiên áp dụng nhằm gây sức ép đáng kể đối với Malaysia, trong một nỗ lực nhằm ngăn cản cuộc điều tra cái chết của Kim Chol, nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur.

Cảnh sát Malaysia đến nay đã xác định có 4 nghi phạm Triều Tiên là chủ mưu của vụ việc, đồng thời nghi ngờ một bí thư thứ hai tại đại sứ quán có dính líu đến vụ giết người.

Cảnh sát Malaysia phong tỏa bên ngoài đại sứ quán Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng đây là cách Triều Tiên dồn ép Malaysia, buộc nhà chức trách nước này phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp ổn thỏa nhất nhằm thu xếp vụ Kim Chol bị sát hại. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng kêu gọi phía Malaysia tìm ra "giải pháp công bằng" cho vụ việc. "Bình Nhưỡng chắc hẳn tin rằng chính phủ Malaysia sẽ chấp nhận đàm phán để giải phóng các công dân bị mắc kẹt", một người Triều Tiên đào tẩu từng làm trong Bộ Ngoại giao nước này nhận định.

Theo các nhà ngoại giao, việc cấm công dân nước khác xuất cảnh nhằm gây sức ép về mặt ngoại giao không được nhiều nước trên thế giới áp dụng, bởi nó không khác gì hình thức "giữ con tin". Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng lên án mạnh mẽ động thái này của Triều Tiên, coi hành động đó "về cơ bản là giữ công dân làm con tin".

Để bảo vệ cho các công dân bị mắc kẹt của mình, Malaysia cũng lập tức có phương án đối phó. Nhà chức trách nước này ngay sau đó ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Triều Tiên, chỉ đạo cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu để ngăn người Triều Tiên ra nước ngoài.

Cảnh sát Malaysia thậm chí còn phong tỏa lối vào đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur, nhằm ngăn cản các nhân viên sứ quán rời đi. Biện pháp phong tỏa này sau đó đã được dỡ bỏ, nhưng xe tuần tra cảnh sát vẫn bám trụ gần cổng sứ quán để giám sát các phương tiện ra vào.

Cảnh sát vũ trang Malaysia canh gác trước bệnh viện nơi lưu giữ thi hài của Kim Chol. Ảnh:NST

Giới phân tích cho rằng với các phản ứng gần như tức thì này của Malaysia, chiến thuật dồn ép của Triều Tiên khó có thể phát huy tác dụng. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, hai nước nhiều khả năng sẽ tiến tới việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, trong khi Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố Bộ Ngoại giao nước này "sẽ không trốn tránh nhiệm vụ thực thi bước cuối cùng đó".

Trong trường hợp Malaysia, một thành viên chủ chốt của ASEAN, quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đứng trước nguy cơ mất đi một quốc gia hữu hảo từng có quan hệ khá tốt đẹp.

Dư luận Malaysia trong những ngày qua tỏ ra ủng hộ các động thái quyết liệt của chính phủ trong cuộc điều tra nghi án Kim Jong-nam và căng thẳng ngoại giao với Triều Tiên. Điều này sẽ khiến chính phủ Malaysia khó có thể chấp nhận bất cứ sự nhượng bộ nào trước Triều Tiên.

Một sự nhượng bộ trước Triều Tiên của Malaysia cũng có thể khiến Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, các đối tác quan trọng của Malaysia, bất bình. Động thái cấm công dân Malaysia xuất cảnh của Triều Tiên có thể được cộng đồng quốc tế coi là một hành động khiêu khích khác và gia tăng sức ép lên quốc gia này.

Chuyên đề