Chỉ 1% startup xe điện Trung Quốc có thể tồn tại

(BĐT) - Trung Quốc là nơi có hàng trăm công ty khởi nghiệp đặt cược vào cuộc cách mạng xe điện, nhưng chỉ 1% trong số này có thể tồn tại trong một ngành đòi hỏi đầu tư công nghệ đáng kể, theo NIO Capital.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Quỹ đầu tư mạo hiểm NIO Captital, vốn được hậu thuẫn một phần bởi công ty xe điện NIO của Trung Quốc, rất thận trọng trong việc đầu tư và các startup xe điện, đối tác cấp cao phụ trách hoạt động hàng ngày của Quỹ - ông Ian Zhu cho biết. Theo ông Zhu, NIO Capital đang tìm cách gọi vốn 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) cho một quỹ đầu tư tại Đại lục. Quỹ này sẽ ưu tiên đầu tư vào các dự án chung giữa startup ô tô điện và nhà sản xuất ô tô truyền thống, bởi đây là sự kết hợp giữa đổi mới và khả năng sản xuất thực sự.

“Đó là một hệ thống rất phức tạp, cần sự đầu tư dồi dào và một nhóm lớn để có thể chế tạo một chiếc xe từ bản vẽ. Do đó, tỷ lệ tồn tại của các startup xe điện là rất thấp”, ông Zhu cho biết.

Tham vọng dẫn đầu thế giới về xe điện của Trung Quốc đã lôi cuốn giới đầu tư đổ hàng tỷ USD vào các startup và hoạt động sản xuất tại đây. Với sự hiện diện của Tesla vẫn còn khiêm tốn, các công ty như Xpeng Motors Technology Ltd. và NIO đang chạy đua để giành chỗ đứng tại Đại lục.

Hầu hết các startup xe điện ở Trung Quốc vẫn chưa sản xuất trên quy mô lớn hoặc chưa thể cung cấp lượng lớn sản phẩm cho người tiêu dùng. Song điều đó không ngăn các startup này tự định giá ở mức cao gấp vài lần giá trị các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Trung Quốc, như BAIC Motor Corp và Great Wall Motor Co., trong các vòng gọi vốn gần đây.

Cạnh trạnh tại Trung Quốc – nơi tiêu thụ hơn một nửa số xe điện toàn cầu – đang ngày càng gia tăng, với sự thay đổi của Bắc Kinh khi cho phép các thương hiệu ô tô nước ngoài có thể sở hữu hoàn toàn các công ty địa phương. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thúc đẩy nhiều nhà sản xuất ô tô quốc tế như BMW và Tesla tăng tốc kế hoạch sản xuất xe điện tại Đại lục. Theo ông Zhu, chiến tranh thương mại cũng sẽ tạo nên nhiều rào cản hơn đối với đầu tư công nghệ, làm chậm xu hướng tiến tới công nghệ tự lái của ngành công nghiệp ô tô.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã leo thang trong những tuần gần đây “là một cản trở thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển công nghệ”, ông Zhu nhận xét. “Nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang, nó sẽ trì hoãn việc thương mại hóa các loại xe điện thông minh cũng như làm chậm nỗ lực toàn cầu trong việc cải thiện tính hiệu quả và khả năng an toàn giao thông”, ông Zhu nói. 

Chuyên đề