Các bang của Mỹ “ráo riết” chuẩn bị phương án đối phó Triều Tiên

Hai bang Alaska và Hawaii của Mỹ đang tích cực chuẩn bị kế hoạch phòng thủ để bảo vệ các công dân của mình trước một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4/7.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ phóng thử ngày 4/7 (Ảnh: AFP)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ phóng thử ngày 4/7 (Ảnh: AFP)

Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa Hwasong-14 của nước này đã bay được chặng đường 933 km, cao 2.802 km và rơi trúng mục tiêu giả định tại vùng biển Nhật Bản.

Sau khi quan sát đường bay của tên lửa Triều Tiên, một số chuyên gia nhận định đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa và có khả năng vươn tới khu vực Alaska hoặc Hawaii của Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis xác nhận tầm bắn thực tế của tên lửa Triều Tiên có thể đạt hơn 5.500 km. Điều này có nghĩa là Alaska của Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Trong khi đó, Giáo sư, nhà khoa học Mỹ Bruce Bechtol cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng tên lửa Triều Tiên có thể “tấn công toàn bộ khu vực Alaska”.

Theo Express, thực tế trên đã khiến giới chức tại hai bang Alaska và Hawaii nhanh chóng lên kế hoạch đối phó với kịch bản tấn công từ tên lửa Triều Tiên.

Nhận định về sự cấp thiết của kế hoạch đối phó với Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết: “Hôm nay, người Alaska nhận được thông tin đáng lo ngại rằng Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa mà một số chuyên gia cho là có thể vươn tới Alaska trong tương lai gần. Hơn bao giờ hết, người dân ở Alaska cũng như trên toàn nước Mỹ bắt buộc phải có phương án chuẩn bị”.

Phương án đối phó với tên lửa Triều Tiên

Trước đó, một dự luật đã được đưa ra hồi tháng 5 với mục đích tăng cường cả về chất lượng và số lượng của hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa Mỹ, từ đó đối phó hiệu quả với chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Theo Thượng nghị sĩ Brian Schatz, dự luật này sẽ giúp cải thiện năng lực của Mỹ trong việc bảo vệ Hawaii, Alaska và lục địa Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Lầu Năm Góc đang triển khai tổng cộng 36 hệ thống đánh chặn tên lửa tại các căn cứ quân sự ở Alaska và California. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 44 hệ thống vào cuối năm nay.

Như vậy, nếu dự luật trên được thông qua, sẽ có 28 hệ thống đánh chặn tên lửa từ mặt đất được bổ sung thêm, trong đó có 14 hệ thống được đặt ở Alaska.

Theo Thượng nghị sĩ Sullivan, Mỹ cần nhanh chóng chuẩn bị phương án đối phó với Triều Tiên vì tốc độ phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ngày càng được đẩy mạnh.

“Tôi đã nói từ nhiều tháng trước rằng, vấn đề bây giờ không còn là “liệu” ông Kim Jong-un có thể tấn công các thành phố của Mỹ bằng một quả tên lửa hạt nhân hay không, mà là “khi nào” ông ấy làm vậy”, ông Sullivan cho biết.

Trong khi đó, một quan chức khác của bang Hawaii nhấn mạnh rằng kế hoạch đối phó với các cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ Triều Tiên là vô cùng “cấp thiết và quan trọng” đối với sự sống còn của 1,4 triệu người dân và du khách đang sống tại khu vực này.

Chuyên đề