Brexit ảnh hưởng ra sao tới kinh tế châu Á

Cuộc "ly dị" giữa Anh và EU được đánh giá chỉ có tác động lên châu Á trong trung hạn, do quan hệ kinh tế giữa hai bên không quá mật thiết.
Toyota là một trong những doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi Anh rời châu Âu. Ảnh: AFP
Toyota là một trong những doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi Anh rời châu Âu. Ảnh: AFP

Trong trung hạn, việc người Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng lên các thị trường tài chính và tiền tệ. Như cuối tuần trước, bảng Anh có lúc mất giá hơn 10%, yen Nhật tăng vọt, còn tiền tệ các thị trường mới nổi yếu đi đáng kể khi nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro.

Đến sáng nay, bảng Anh tiếp tục mất 2% so với USD. Còn giá vàng dù đã bình ổn cuối ngày 24/6, thì mở cửa phiên đầu tuần lại tăng thêm 17 USD một ounce.

Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều khẳng định việc này không mấy ảnh hưởng lên nền kinh tế nước mình. Nhiều người cho rằng đây chỉ là động thái trấn an nhà đầu tư và giữ thị trường bình ổn. Tuy nhiên, BBC cho rằng những tuyên bố này là có cơ sở. Việc Anh rời EU không thể tác động dài hạn trực tiếp lên các nền kinh tế châu Á.

Wellian Wiranto tại OCBC Bank (Singapore) giải thích: "Nếu tính theo phần trăm GDP, xuất khẩu sang Anh của các nền kinh tế như Hong Kong (Trung Quốc) hay Việt Nam chỉ tương đương khoảng 2-3%. Với hầu hết các nước còn lại, như Indonesia hay Malaysia, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn (0,2-1%)".

Tuy nhiên, doanh nghiệp tại một số nền kinh tế lớn của châu Á sẽ chịu thiệt hại. Các công ty Nhật Bản hiện có khoảng 140.000 nhân viên tại Anh và đã đầu tư 59 tỷ USD vào đây. Các hãng ôtô lớn nước này, như Toyota đã tuyên bố nếu Anh chọn ra đi, xe hơi sản xuất tại Anh bán sang EU sẽ bị áp thuế 10%.

90% xe hơi của Toyota sản xuất tại Anh được đem đi xuất khẩu. Và ba phần tư số xe xuất đi đó là sang EU.

Các công ty châu Á mở cơ sở tại Anh để có cửa ngõ vào EU cũng sẽ phải nghĩ lại sau sự kiện này. Đại gia điện tử Nhật Bản - Hitachi từng cho biết sẽ cân nhắc lại việc sản xuất tại Anh trong trường hợp Anh rời EU.

Còn với Ấn Độ, ảnh hưởng sẽ chủ yếu rơi vào các hãng công nghệ. Tổng cộng, thị trường Anh và EU chiếm hơn 25% xuất khẩu IT của nước này, trị giá khoảng 30 tỷ USD.

Tata Group - một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất Ấn Độ đã hoạt động tại Anh từ năm 1907. Trong một thông báo cuối tuần trước, họ cho biết hiện có 19 công ty tại Anh, với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Tata khẳng định "khả năng tiếp cận nhiều thị trường và lực lượng lao động tay nghề cao sẽ vẫn là những yếu tố quan trọng cần cân nhắc".

Chắc chắn các lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Á đang theo dõi sát quá trình Anh rời EU. Vì nếu các nền kinh tế châu Âu chịu ảnh hưởng, họ cũng sẽ khó thoát.

Chuyên đề