Boeing giao hàng nhiều máy bay chưa từng thấy trong năm 2017

Boeing thiết lập kỷ lục mới của ngành sản xuất máy bay thế giới về số lượng máy bay được giao hàng trong một năm...
Bên trong một nhà máy sản xuất máy bay của Boeing - Ảnh: Airline Reporter.
Bên trong một nhà máy sản xuất máy bay của Boeing - Ảnh: Airline Reporter.

Năm 2017, tập đoàn Mỹ Boeing đã thiết lập một kỷ lục mới của ngành sản xuất máy bay thế giới về số lượng máy bay được giao hàng trong một năm.

Theo hãng tin CNN, Boeing - công ty xuất khẩu lớn nhất của Mỹ - đã giao hàng 763 máy bay cho khách hàng trên toàn cầu. Con số này phá vỡ kỷ lục cũ, cũng do chính Boeing thiết lập, khi hãng giao hàng 762 máy bay vào năm 2015.

Giới phân tích cho rằng hiện nay là thời điểm phù hợp để các hãng hàng không trên thế giới mua máy bay mới, thay thế cho những chiếc máy bay đã cũ.

Sau mấy thập kỷ biến động, ngành hàng không trong thời gian từ 2015-2017 đã "ăn nên làm ra" hơn cả 30 năm trước đó cộng lại. Hiệp hội Giao thông hàng không Thế giới (IATA) dự báo ngành hàng không toàn cầu đạt mức lợi nhuận khoảng 34,5 tỷ USD trong năm 2017, đánh dấu năm có lãi thứ 8 liên tiếp.

Những năm qua, ngành hàng không đã hưởng lợi từ mức giá nhiên liệu tương đối rẻ và nguồn vốn dồi dào, lãi suất "mềm" để mua máy bay mới. Bởi vậy, kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2011, tổng sản lượng máy bay của Boeing và Airbus đã tăng đều, trừ việc giảm nhẹ vào các năm 2008 và 2010 do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Phó chủ tịch phụ trách marketing của Boeing, ông Randy Tinseth, cạnh tranh gia tăng, giá vé rẻ hơn, và nền kinh tế toàn cầu khởi sắc đang là những nhân tố giúp các hãng hàng không gần như không còn ghế trống ở thời điểm hiện nay và có số chuyến bay lớn hơn bao giờ hết. Ông Tinseth dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2018.

Theo ước tính của IATA, số lượt hành khách đi máy bay trên toàn cầu trong năm 2017 là hơn 4 tỷ lượt, tăng khoảng 66% so với năm 2007, nhờ lượng hành khách gia tăng mạnh ở những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

IATA dự báo, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất và lớn thứ ba thế giới. Trong đó, Trung Quốc có khả năng sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2024 và Ấn Độ có thể vượt Anh vào năm 2025.

Giá vé máy bay trên toàn cầu đang trong xu hướng giảm, khi các hãng giá rẻ mở thêm các tuyến trong nước và quốc tế, khuyến khích hành khách đi lại nhiều hơn.

Nhưng dù giá vé có giảm, các hãng bay vẫn đạt lợi nhuận tốt nhờ giá nhiên liệu ở mức thấp. Theo IATA, cứ mỗi 1 USD chi phí mà các hãng hàng không bỏ ra hiện nay, thì có 0,19 USD chi cho nhiên liệu, so với mức hơn 0,35 USD khi giá dầu thế giới ở mức kỷ lục.

Boeing cũng cho biết hãng nhận được đơn đặt hàng 912 máy bay mới từ 71 khách hàng trong năm 2017, trong đó gần 82% là đơn hàng loại máy bay một lối đi 737.

Lượng đơn hàng mới này nâng tổng số máy bay mà Boeing nhận đặt hàng nhưng chưa giao lên 5.865 máy bay, một mức cao kỷ lục của hãng.

Theo dự kiến, "kỳ phùng địch thủ" của Boeing là Airbus sẽ công bố số liệu về lượng máy bay đặt hàng và giao hàng năm 2017 vào ngày 15/1 tới. Hãng sản xuất máy bay châu Âu này được cho là đã giao hàng ít nhất 700 phi cơ trong năm ngoái, nhưng Boeing tin tưởng hãng vẫn sẽ giữ được ngôi vị nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới năm thứ 6 liên tiếp.

Giới phân tích dự báo Boeing sẽ giao hàng nhiều máy bay hơn nữa trong năm nay, khi hãng đẩy mạnh sản xuất dòng 737. Hãng đã tuyên bố sẽ nâng sản lượng máy bay 737 tại các nhà máy ở Seattle lên mức 52 chiếc/tháng, từ mức 47 chiếc/tháng hiện nay.

Năm ngoái, Boeing đã giao hàng 592 chiếc 737, bao gồm 74 chiếc thuộc dòng nâng cấp 737 Max.

Chuyên đề