Bị ông Trump gây sức ép, OPEC và Nga tính tăng sản lượng dầu

Dòng tweet của ông Trump phàn nàn giá dầu cao đã khiến OPEC đi đến ý tưởng nâng sản lượng khai thác dầu...
Một lá cờ nhỏ có logo của OPEC tại cuộc họp của khối này ở Vienna, Áo, tháng 9/2017 - Ảnh: Reuters.
Một lá cờ nhỏ có logo của OPEC tại cuộc họp của khối này ở Vienna, Áo, tháng 9/2017 - Ảnh: Reuters.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đang thảo luận về việc tăng sản lượng khai thác dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters. Người đứng đầu OPEC cũng nói rằng sự phàn nàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về giá dầu cao đã đưa khối này đến với ý tưởng tăng sản lượng dầu.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Saudi Arabia và Nga ngày 25/5 cho biết hai nước này đang chuẩn bị cho việc nâng sản lượng để xoa dịu nỗi lo của người tiêu dùng về nguồn cung dầu. Bộ trưởng Khalid al-Falih của Saudi Arabia nói thêm rằng bất kỳ sự tăng sản lượng nào cũng sẽ diễn ra từ tốn để tránh gây sốc cho thị trường.

Thời gian gần đây đã xuất hiện những ý kiến lo ngại rằng giá dầu đã tăng quá nhanh sau 17 tháng OPEC, Nga và một số nước ngoài khối khác hợp tác hạn chế sản lượng khai thác dầu. Trong tháng 5 này, giá dầu Brent tại thị trường London có lúc lên mức 80,5 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo tiết lộ rằng khối này bắt đầu tính đến việc nới lỏng hạn chế sản lượng sau khi Tổng thống Trump có một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter hồi tháng trước nói rằng OPEC đã đẩy giá dầu lên cao tới mức "giả tạo".

"Chúng ta tự hào vì là những người bạn của nước Mỹ", ông Barkindo phát biểu tại một cuộc gặp với các Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Saudi Arabia và Nga tại St. Petersburg trong khuôn khổ một diễn đàn kinh tế của thành phố này.

OPEC và các nước đối tác dẫn đầu là Nga đang ở trong một thỏa thuận hạn chế 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày sản lượng khai thác cho tới hết năm 2018 nhằm giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu. Thời hạn của thỏa thuận vẫn còn nhưng mức tồn kho dầu của thế giới hiện đã giảm về gần mức mục tiêu mà OPEC đề ra.

Nguồn thạo tin nói rằng, mức sản lượng mà OPEC và các nước trong thỏa thuận đã hạn chế trong tháng 4 vừa qua thậm chí tương đương 152% so với mức đặt ra nói trên. Bởi vậy, việc tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày sẽ chỉ đưa mức khai thác thực tế của nhóm này lên bằng với mức tuân thủ 100% thỏa thuận hạn chế sản lượng.

Ông Barkindon cũng nhấn mạnh rằng việc Mỹ gây áp lực lên OPEC không phải là chuyện hiếm. Trước đây, một số Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Mỹ cũng đã từng đề nghị khối này giúp "hạ nhiệt" giá dầu.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent có lúc giảm 2%, về sát mức 77 USD/thùng sau khi có tin OPEC và Nga tính tăng sản lượng khai thác. Tính đến phiên ngày thứ Năm, giá dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói mức cắt giảm sản lượng thực tế hiện nay của OPEC và đối tác là 2,7 triệu thùng/ngày, chứ không phải mức 1,8 triệu thùng/ngày như đề ra, do sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh.

Tuy vậy, ông Novak từ chối cho biết liệu OPEC và Nga có quyết định tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 hay không.

Cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC và các nước đối tác của khối này sẽ diễn ra tại Vienna, Áo, vào ngày 22-23/6 và quyết định cuối cùng về vấn đề sản lượng sẽ được đưa ra tại đây.

Chuyên đề