Bê bối bảo mật đặt Facebook trước thách thức lớn chưa từng thấy

Scandal bùng lên sau khi Facebook tiết lộ đã cung cấp dữ liệu cá nhân của 50 triệu người sử dụng cho Cambridge Analytica...
Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg - Ảnh: Getty/CNBC.
Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg - Ảnh: Getty/CNBC.

Vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng đang đặt mạng xã hội Facebook trước thách thức lớn chưa từng thấy. Không chỉ đối mặt với các cuộc điều tra của cơ quan chức năng Mỹ và châu Âu, Facebook còn bị nhà đầu tư kiện và chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Mọi chuyện vỡ lở vào cuối tuần vừa rồi khi Facebook tiết lộ đã cung cấp dữ liệu cá nhân của 50 triệu người sử dụng cho Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Công ty có trụ sở ở London này bị cho là từng dính líu đến những chiêu trò không trong sạch tại các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Các cơ quan chức năng vào cuộc

Hãng tin Bloomberg cho biết, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook sẽ phải có một chuyến đi dài tới châu Âu, điều trần trước các quốc hội trong khu vực về vụ bê bối này.

Ngày 20/3, ông Damian Collins, người đứng đầu một ủy ban thuộc Quốc hội Anh chuyên điều tra về ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với bầu cử, đã mời Zuckerberg tới điều trần về vụ việc. Ngay sau đó, một lời mời tương tự được đưa ra từ ông Antonio Tajani, Chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Cao ủy phụ trách các vấn đề pháp lý của Liên minh châu Âu (EU), bà Very Jourova, cho biết sẽ thảo luận về vấn đề trên với Facebook trong chuyến thăm Mỹ tuần này. Cơ quan chức năng Italy cũng đã yêu cầu Facebook cung cấp thông tin về việc mạng này sử dụng dữ liệu người dùng như thế nào.

Cho đến thời điểm hiện tại, Zuckerberg và Giám đốc hoạt động (COO) Sheryl Sandberg của Facebook vẫn chưa lên tiếng trước dư luận về vụ rò rỉ dữ liệu, bất chấp phản ứng giận dữ trên toàn cầu. Trong cuộc họp với nhân viên Facebook dự kiến diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này, chắc chắn Zuckerberg sẽ đối mặt với những câu hỏi về vụ bê bối.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) hiện đang xem xét liệu Facebook có vi phạm điều khoản về sự đồng thuận mà chính công ty này đưa ra năm 2011. FTC là cơ quan cấp cao nhất ở Mỹ về giám sát các công ty thực thi chính sách bảo mật mà các công ty đưa ra, đồng thời có quyền tuyên phạt nêu Facebook vi phạm chính sách đó.

Facebook cho biết sẽ báo cáo với 6 ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ về vụ việc vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Chưa kể, các chưởng lý của bang New Yokr và Massachusetts đã gửi thư yêu cầu tới Facebook, đánh dấu bước đầu tiên trong một cuộc điều tra chung.

Cổ phiếu lao dốc

Giá cổ phiếu Facebook có lúc giảm 6,2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, trước khi chốt phiên với mức giảm 2,6%. Vào thời điểm chạm đáy phiên thứ Ba, giá cổ phiếu giảm hơn 11% so với mức đóng cửa của thứ Sáu tuần trước, đồng nghĩa với mức giảm 60 tỷ USD giá trị vốn hóa - lớn hơn cả vốn hóa thị trường của hãng xe điện Tesla.

Một tin xấu nữa ập đến khi một nhóm cổ đông ngày 21/3 đã đâm đơn kiện tập thể nhằm vào Facebook lên tòa án liên bang ở thành phố San Francisco. Các nhà đầu tư này nói họ chịu thua lỗ nặng nề do vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng của Facebook.

Hai phiên giảm giá liên tiếp của cổ phiếu Facebook khiến tài sản cá nhân của Zuckerberg có lúc giảm còn 66 tỷ USD trong ngày thứ Ba, so với mức 75 tỷ USD vào hôm thứ Sáu tuần trước. Vào cuối tuần vừa rồi, Zuckberg còn là người giàu thứ tư thế giới, đến hôm qua anh đã tụt xuống vị trí thứ Sáu.

Về phần mình, Cambridge Analytica ngày 20/3 đã đình chỉ chức vụ CEO của ông Alexander Nix sau khi xuất hiện một đoạn băng video cho thấy ông này đang bàn về việc "bẫy" các chính trị gia bằng hối lộ và gái điếm, cũng như tung tin thất thiệt.

Kênh Channel 4 của Anh đã phát sóng đoạn băng này như một phần trong phóng sự điều tra cho thấy ông Nix khoe khoang về việc ông đảm nhiệm các công việc về nghiên cứu và dữ liệu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Trong đoạn băng, ông Nix cũng nói Cambridge Analytica sử dụng máy chủ email để liên lạc với khách hàng và xóa bằng chứng về các cuộc liên lạc.

Sau khi phóng sự của Channel 14 được phát sóng, đảng đối lập của quốc gia châu Phi Kenya đã yêu cầu mở một cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ thông tin từ phóng sự nói rằng Cambridge có hành vi tuyên truyền sai lệch trong thời gian xảy ra bạo lực bầu cử khiến 92 người thiệt mạng ở nước này.

"Đây chắc chắn là thách thức lớn nhất từng xảy ra đối vói Facebook", ông Heath Terry, phụ trách nghiên cứu mảng Internet tại ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. "Cách xử lý khủng hoảng của Facebook sẽ là yếu tố quyết định tương lai của họ trong dài hạn".

Chuyên đề