Báo Trung Quốc dọa đưa tàu hải quân Nhật ở Biển Đông vào 'tầm ngắm'

Tờ Global Times của Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ đưa tàu hải quân Nhật vào "tầm ngắm" nếu chúng tuần tra ở Biển Đông cùng Mỹ.
Hai tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Hai tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters.

"Tàu hải quân Nhật Bản sẽ là mục tiêu chính của Trung Quốc. Các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ bay ở tầm thấp để gây áp lực với tàu Nhật", tờGlobal Times viết trong bài đăng tối muộn 17/9. 

Lời hăm dọa được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hôm 15/9 tiết lộ về thỏa thuận tuần tra chung tại Biển Đông với hải quân Mỹ. Tokyo tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông bằng cách tham gia các cuộc tập trận và hỗ trợ "các nước có liên quan" trong khu vực. 

Mỹ đã tích cực mời các nước Nhật Bản, Australia và Philippines tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, song Canberra và Manila đang có những phản ứng thận trọng.

Trong khi đó, Tôn Kiến Quốc, Phó tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hồi tháng 6 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ "không nhắm mắt làm ngơ" về cuộc tuần tra chung có thể diễn ra ở Biển Đông với sự tham gia của Washington và Tokyo. 

Báo Trung Quốc tuyên bố khoảnh khắc tàu chiến Nhật Bản xuất hiện ở Biển Đông sẽ biến nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước thành "vô ích". Global Times cáo buộc các cuộc tuần tra của "hai nước không nằm ở Biển Đông" khuấy động tình hình Biển Đông, khiến Trung Quốc "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó".

Tờ báo mang nặng tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc cũng cáo buộc việc tuần tra chung là "chính sách pháo hạm" chống lại Bắc Kinh trong thế kỷ 21. "Trung Quốc nên kiên quyết bắt đầu triển khai quân sự hóa ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) để cân bằng tình hình, và nên thông báo cho ASEAN để cộng đồng quốc tế biết nguyên nhân căng thẳng khu vực gia tăng", bài báo kêu gọi.

Tờ báo nêu khả năng Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nếu cuộc tuần tra Mỹ - Nhật có thêm "những nước khác" tham gia. "Tới lúc đó, Trung Quốc có hệ thống các cụm đảo quân sự kết hợp ADIZ để chống lại tàu chiến Mỹ - Nhật".

Trong bài phát biểu trên đất Mỹ hôm 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho rằng nếu thế giới khoan dung với những nỗ lực "bẻ cong" luật pháp quốc tế trên Biển Đông, hậu quả xảy ra sẽ mang tính "toàn cầu".

Nhật Bản và Mỹ có chung sự quan ngại về những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Tokyo cũng có tranh chấp riêng với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.  

Chuyên đề