Anh cáo buộc Barclays sai phạm trong huy động vốn khẩn cấp

Ngày 12/2, Văn phòng Chống gian lận (SFO) của Anh cáo buộc một chi nhánh của ngân hàng Barclays có hành vi gian lận liên quan đến hoạt động huy động vốn khẩn cấp từ khách hàng Qatar trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 
Trụ sở ngân hàng Barclays ở London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trụ sở ngân hàng Barclays ở London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, tháng 6/2017, SFO đã cáo buộc Barclays PLC - ngân hàng con của Barclays - và 4 cựu lãnh đạo của ngân hàng này cùng 1 sai phạm này. Các đối tượng gồm cựu Giám đốc điều hành John Varley, cựu quan chức quản lý đầu tư Roger Jenkins, cựu Giám đốc Quản lý đầu tư và tài sản Thomas Kalaris và người từng đứng đầu nhóm chi nhánh ngân hàng tại châu Âu Richard Boath đều bị cáo buộc đã âm mưu gian lận khi cách cố tình cung cấp thông tin sai lệch liên quan đến thỏa thuận tháng 6/2008 nhằm tăng vốn. 

Ngoài ra, hai ông Varley và Jenkins cũng nhận thêm 1 cáo buộc về hỗ trợ tài chính bất hợp pháp liên quan đến thỏa thuận tháng 10/2008. Dự kiến, những đối tượng này sẽ phải ra hầu tòa trong năm 2019. 

Đây sẽ là lần đầu tiên một ngân hàng Anh phải đối mặt với một vụ xét xử hình sự về vi phạm của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính. SFO bắt đầu cuộc điều tra đối với ngân hàng Barclays từ năm 2012 do nghi ngờ có hành vi "lại quả." Các cuộc điều tra tập trung và các dịch vụ cố vấn trị giá 322 triệu USD mà Barclays chấp nhận trả cho cơ quan Ủy quyền Đầu tư Qatar. 

Qatar đã đầu tư khoảng 12 tỷ bảng Anh (tương đương 16,61 tỷ USD) vào ngân hàng Barclays trong 2 thỏa thuận gây quỹ năm 2008. Với khoản tiền này, Barclays có thể tự cải thiện cán cân thanh toán mà không phải viện đến khoản cứu trợ tài chính của Chính phủ Anh, tránh bị quốc hữu hóa một phần sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nhen nhóm từ năm 2007./.

Chuyên đề