5 chiến dịch thảm bại của lực lượng đặc nhiệm Mỹ

Đặc nhiệm Mỹ nổi tiếng là tinh nhuệ và được trang bị hiện đại, nhưng cũng từng phải nhận nhiều thất bại cay đắng.
5 chiến dịch thảm bại của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ảnh 1

Biệt kích Mỹ trở về sau cuộc tấn công đảo Makin. Ảnh:Defense Media Network.

Quân đội Mỹ thường xuyên triển khai các đơn vị đặc nhiệm để hoạt động sâu trong lãnh thổ đối phương. Đây là những chiến binh được huấn luyện tinh nhuệ và trang bị đầy đủ, tạo nên sức chiến đấu cao. Tuy nhiên, đặc nhiệm Mỹ cũng từng trải qua nhiều chiến dịch thất bại thảm họa trong lịch sử tồn tại của mình, theo National Interest.

Cuộc đột kích đảo Makin

Tháng 8/1942, Tiểu đoàn biệt kích số 2 của thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) thực hiện cuộc đột kích đầu tiên vào đảo Makin do phát xít Nhật kiểm soát. 222 lính đặc nhiệm được huấn luyện kỹ càng của USMC được tàu ngầm thả gần đảo trong đêm tối. Nhiệm vụ của họ là tấn công, phá hủy cơ sở hạ tầng, gây hoang mang cho chỉ huy quân đội Nhật Bản đóng trên đảo Makin.

Bị lính canh Nhật phát hiện ngay sau khi đổ bộ, nhóm biệt kích nhanh chóng mất ưu thế bất ngờ, nhưng vẫn kịp gây một số thương vong cho đối phương. Evans Carlson, chỉ huy nhóm biệt kích, cho rằng lực lượng Nhật phòng thủ trên đảo quá nguy hiểm, không thể hoàn thành nhiệm vụ chính nên ra lệnh rút quân. Tuy nhiên, sóng lớn khiến nỗ lực rời đảo của họ bất thành, chỉ một số binh sĩ bơi được tới tàu ngầm đang chờ ngoài khơi.

Sáng hôm sau, lính Mỹ mới phát hiện ra rằng hầu hết quân Nhật trên đảo đã thiệt mạng sau trận giao tranh tối qua. Họ phá hủy những cơ sở hạ tầng còn lại trước khi trở về tàu ngầm.

Trong chiến dịch này, USMC trả giá bằng 30 lính biệt kích Mỹ thiệt mạng, một xuồng chở quân bị sóng đánh chìm. Thành công ít ỏi của chiến dịch khiến chỉ huy Mỹ phải cân nhắc trước những chiến dịch tương tự trên Thái Bình Dương.

Trận Điểm cao 205, Triều Tiên

Ngày 25/11/1950, Tiểu đoàn biệt kích số 8 lục quân Mỹ nhận nhiệm vụ tấn công, chiếm giữ Điểm cao 205 nằm cạnh sông Chongchon ở Triều Tiên. Đơn vị này mới được thành lập cách đó ba tháng, được huy động tấn công Điểm cao 205 mà không hề biết rằng lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc đang chốt giữa vị trí này, sẵn sàng thực hiện chiến dịch phản công quy mô lớn.

Các chỉ huy Mỹ cho rằng sử dụng lực lượng biệt kích tấn công điểm cao là chiến thuật hiệu quả, bởi nó đã từng được áp dụng thành công trong Thế chiến II. Tuy nhiên, mọi tính toán của họ đổ bể khi vấp phải lực lượng phòng thủ dày đặc của quân Trung Quốc, khiến biệt kích Mỹ hứng chịu thương vong nặng nề.

Mọi thứ trở nên tồi tệ khi pháo binh Trung Quốc trút đạn như mưa, mở đường cho bộ binh phát động 6 đợt xung phong phản công vào vị trí của Tiểu đoàn 8.

Trong 88 lính biệt kích tấn công Điểm cao 205, chỉ có 21 người sống sót rời khỏi khu vực này sau trận đánh. Thương vong của Tiểu đoàn 8 không khác gì một đơn vị bộ binh thông thường, khiến việc sử dụng họ trở nên lãng phí vô ích, khi họ không thể làm chậm bước tiến của quân đội Trung Quốc.

Chiến dịch Vuốt đại bàng

Trong cuộc khủng hoảng con tin ở Tehran, Iran (1979-1981), chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã xem xét nhiều giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề. Một cuộc tấn công chính quy nhằm vào Iran bị coi là vô nghĩa, còn chiến dịch không kích cũng khó ép Tehran thả người.

Trực thăng bị Mỹ bỏ lại trong chiến dịch Vuốt Đại bàng

Quân đội Mỹ đệ trình kế hoạch giải cứu con tin bằng trực thăng, sử dụng lực lượng tấn công gồm biệt kích và đặc nhiệm Delta Force. Chiến dịch này đòi hỏi trực thăng đổ quân gần nơi con tin bị giam giữ, đặc nhiệm sẽ vô hiệu hóa lính canh Iran và giải cứu con tin, trước khi quân đội Iran kịp phản ứng. Kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, do chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến chiến dịch đổ bể.

Tuy nhiên, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Vuốt Đại bàng, mọi việc đều diễn ra trái với kế hoạch ban đầu. Một trận bão cát bất ngờ khiến một trong 8 trực thăng RH-53D tham gia chiến dịch phải quay đầu trở về, còn 2 chiếc khác bị trục trặc kỹ thuật khi hạ cánh.

Do 5 trực thăng còn lại không đủ để vận chuyển toàn bộ con tin cùng lính đặc nhiệm, sĩ quan chỉ huy trực tiếp đã quyết định hủy nhiệm vụ giải cứu. Tuy nhiên, đây chính là lúc thảm họa thực sự xảy ra.

Trong quá trình rút lui, một chiếc trực thăng RH-53D đâm vào máy bay vận tải C-130 khiến 8 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Đặc nhiệm Mỹ hoảng hốt kéo lên chiếc C-130 còn lại để rút khỏi vị trí tập kết, bỏ lại những chiếc trực thăng còn nguyên vẹn cùng bản kế hoạch tối mật về chiến dịch giải cứu.

Đây được coi là thất bại muối mặt trong trận đầu ra quân của đặc nhiệm Delta Force, khi các điệp viên ở Tehran bị bắt vì bản kế hoạch bị lộ. Chiến dịch thảm họa này còn góp phần khiến Carter thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980.

Ba ngày rối loạn tại Grenada

Năm 1983, Mỹ quyết định phát động chiến dịch quân sự xâm lược Grenada, quốc đảo ở vùng Caribbean, sau một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu ở quốc gia này.

Việc lật đổ chính quyền lâm thời Grenada được cho là nhiệm vụ dễ dàng với đặc nhiệm Mỹ. Đặc nhiệm SEAL được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đánh bại các binh sĩ Grenada được trang bị lạc hậu hơn.

 Chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Grenada

Nhưng khi thực hiện chiến dịch mang tên Urgent Fury này, đặc nhiệm Mỹ đã gặp phải hàng loạt vấn đề trong lúc đổ bộ xuống các mục tiêu ở Grenada. Việc coi thường thời tiết khiến 4 lính đặc nhiệm SEAL bị chết đuối vào đêm 23/10. Cuộc đột kích đường không vào nhà tù Richmond Hill vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội. Nỗ lực chiếm một trại lính bỏ hoang vào ngày 27/10 cũng khiến ba trực thăng Mỹ bị rơi và ba lính biệt kích thiệt mạng.

Trong 19 lính Mỹ thiệt mạng tại Grenada, có tới 13 binh sĩ đặc nhiệm. Các chỉ huy đổ lỗi cho thông tin liên lạc kém, cũng như hiểu sai về khả năng tác chiến của đặc nhiệm. Thất bại ở Grenada thúc đẩy hàng loạt cải cách trong lực lượng đặc nhiệm cũng như quân đội Mỹ nói chung.

'Diều hâu gãy cánh' tại Mogadishu

Mỹ can thiệp vào nội chiến Somalia với vai trò cứu trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm tới cư dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Không lâu sau, vai trò của Mỹ được mở rộng, với sự tham gia của lực lượng biệt kích và đặc nhiệm Delta Force.

Thảm họa "Diều hâu gãy cánh"

Ngày 3/10/1993, biệt kích và Delta Force tổ chức một cuộc đột kích hỗn hợp ở thủ đô Mogadishu để bắt giữ các cố vấn hàng đầu của Mohammed Farah Aidid, thủ lĩnh phiến quân có ảnh hưởng lớn tại Somalia.

Tuy nhiên, cuộc đột kích nhanh biến thành thảm họa. Đoàn xe chở biệt kích không tìm được đường tới mục tiêu, trong khi hai trực thăng UH-60 Black Hawk chở đặc nhiệm bị bắn rơi. Trận chiến kéo dài suốt đêm, khiến 19 lính đặc nhiệm Mỹ và gần 1.000 người Somalia thiệt mạng.

Thất bại tại Mogadishu được tái hiện qua nhiều cuốn sách và trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim "Black Hawk Down" (Diều hâu gãy cánh).

Chuyên đề