2.000 tỷ USD đủ cứu kinh tế Mỹ?

Nền kinh tế cần thanh khoản nhiều hơn 2.000 tỷ USD, chưa kể quan điểm chống dịch của Trump có thể chính là một rủi ro với nước Mỹ.
Một góc trụ sở quốc hội Mỹ.Ảnh: AFP
Một góc trụ sở quốc hội Mỹ.Ảnh: AFP

Đường 18 ở Adams Morgan (Washington DC) vốn nhộn nhịp bởi các nhà hàng và cửa hàng nay đã đóng kín từ hôm 24/3 để ngăn chặn Covid-19. Một quán bar mới mở tên Death Punch khóa im ỉm. Ở con phố khác, quán rượu whisky tên Jack Rose đã bán hết bộ sưu tập rượu khổng lồ của họ với giá ưu đãi để hỗ trợ cho nhân viên. Những người đến mua phải xếp hàng, đứng cách nhau 1,8 m.

Đây chỉ là vài ví dụ rất nhỏ trong hàng loạt phố sá đang đóng cửa trên khắp nước Mỹ, báo hiệu sự ảm đạm sắp tới. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo tăng vọt khi phần lớn nền kinh tế rơi vào tình trạng "hôn mê". Vì Covid-19 chưa đạt đỉnh tại Mỹ nên khủng hoảng kinh tế vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, Morgan Stanley dự đoán GDP giảm 30% trong quý II so với cùng kỳ 2019, và tỷ lệ thất nghiệp của tháng 3 sẽ tăng lên 12,8%, so với chỉ 3,5% trong tháng 2.

Để giảm thiệt hại, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói kích thích tài khóa lớn nhất trong lịch sử hiện đại với 2.000 tỷ USD, tức gần một phần mười GDP. Gói này bao gồm cả bảo lãnh cho các công ty lớn lẫn nhỏ, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và chuyển khoản tiền mặt thẳng cho nhiều người Mỹ. Đây là chính sách phản ứng đáng kể thứ ba để đối phó với Covid-19. Vấn đề là, tùy thuộc vào thiệt hại sắp tới, thậm chí số tiền khổng lồ này vẫn có thể không đủ.

Lao động tập trung là một phần của ngành công nghiệp. Nhưng không may, kể từ 24/3, 12 tiểu bang đã ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp không thiết yếu. 17 tiểu bang, chiếm một nửa dân số đất nước, kêu gọi cư dân ở nhà. Nhiều nhân viên văn phòng được cho phép làm việc từ xa. Tuy nhiên, những người bấp bênh nhất lại thường được trả lương ít hơn, gồm 8,8 triệu lao động trong ngành bán lẻ, 2 triệu nhân viên khách sạn. Nếu 9,6 triệu người này mất việc, hiệu ứng sẽ lan tỏa ra nền kinh tế.

Một biện pháp cấp cứu là bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, chính sách này ở Mỹ không mạnh mẽ như ở những nước phát triển khác. Tỷ lệ trợ cấp thất nghiệp "phiên bản Mỹ" so với thu nhập trước đó của người lao động, thấp hơn mức trung bình trong OECD. Sự "hào phóng" của các tiểu bang trong chính sách này cũng khác nhau. Đơn cử, Mississippi trợ cấp tối đa 235 USD một tuần.

Với áp lực của đảng Dân chủ, Quốc hội đang có kế hoạch tạm nâng mức trợ cấp. Chính phủ liên bang sẽ trả lên tới 600 USD một tuần, so với mức trung bình hàng tuần hiện tại là 385 USD. Nhóm người đủ điều kiện nhận trợ cấp cũng sẽ được mở rộng. Thời gian hưởng trợ cấp sẽ được kéo dài từ 26 tuần lên 39 tuần. Chi phí cho chương trình này là 260 tỷ USD.

Một khoản tiền khổng lồ tương tự với 250 tỷ USD sẽ được chi cho chương trình phát tiền cho dân Mỹ. Mỗi gia đình có thể nhận 1.200 USD cho mỗi người lớn và 500 USD cho mỗi trẻ em. Tuy nhiên, Sam Hammond, chuyên gia của Trung tâm Niskanen, nhận xét rằng số tiền này có thể là quá nhỏ với những người cần chúng và quá lớn với những người không cần.

Chính phủ Mỹ cũng dự kiến dành ra 500 tỷ USD để ổn định các công ty và tiểu bang. Trong đó, 75 tỷ USD được dành để bảo lãnh cho các công ty lớn đang bị ảnh hưởng nặng, như các hãng hàng không và những tập đoàn được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Một kế hoạch hấp dẫn hơn là 350 tỷ USD được dành riêng để cứu các công ty vừa và nhỏ, tức những công ty có ít hơn 500 nhân viên. Chương trình sẽ cung cấp các khoản vay lên tới 10 triệu USD không lấy lãi hoặc phí, nhằm giúp công ty trả lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng và các chi phí lặt vặt khác. Vấn đề là, để hỗ trợ đủ nhóm doanh nghiệp này, các chuyên gia cho rằng cần phải có nhiều tiền hơn.

Nghiên cứu từ Glenn Hubbard, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Michael Strain thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, ước tính rằng tổng nhu cầu có thể lên tới 1.200 tỷ USD, gấp ba lần tổng số tiền được phân bổ. Do vậy, dù gói hỗ trợ này sắp được thông qua nhưng vẫn cần phải tính thêm gói "chi viện" cho đợt tiếp theo.

Các biện pháp cứu trợ khẩn kiểu này không nhằm tránh suy thoái kinh tế nhưng lại giúp thúc đẩy sự phục hồi nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, trước tiên, vẫn phải giải quyết được cuộc khủng hoảng sức khoẻ là Covid-19, nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế. 

Nhưng sau một thời gian ngắn khẩn trương với các biện pháp chống dịch, ông Trump muốn dỡ bỏ các hạn chế càng sớm càng tốt. Ông cho rằng "cách giải quyết hiện tại còn tồi tệ hơn cả vấn đề" và muốn nền kinh tế vận hành lại vào lễ Phục sinh. Mong muốn này các nhà dịch tễ học cho là không khôn ngoan.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, nơi từng là phong vũ biểu thành công của ông Trump, có thể khiến chính ông hoảng sợ. Thị trường đã tăng mấy ngày gần đây nhờ dự đoán của gói kích thích sắp tới. Nhưng việc nới lỏng hạn chế sẽ dẫn đến tác hại sâu sắc đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.

Các bang tự quyết định các vấn đề y tế nhưng có khả năng một số bang có thể làm theo Trump, và những người ủng hộ tổng thống có thể không tuân thủ quy trình khuyến nghị xã hội. Phó thống đốc Texas cho rằng người già có thể phải hy sinh tính mạng để bảo vệ kinh tế. Trong khi đó, Đại học Liberty (Virginia) đã kêu gọi hàng ngàn sinh viên trở lại trường, bất chấp khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia nhận xét rằng, ông Trump dường như muốn sử dụng lại chiến lược cũ, phong cách thất thường một cách "điên cuồng", để hy vọng nhận được sự nhượng bộ. Tuy nhiên, cách này dù có thể hữu hiệu với đảng Dân chủ hoặc Triều Tiên nhưng không có cơ hội chống lại virus. Và khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, có khả năng nó sẽ trở thành một sai lầm chính trị.

Hiện tại, New York trở thành một vùng dịch mới. "Đỉnh dịch có thể cao hơn và đến sớm hơn chúng ta nghĩ", Andrew Cuomo, Thống đốc New York, nói với người dân. Ông cảnh báo rằng hệ thống y tế của thành phố có thể bị quá tải vì thiếu máy thở và thiết bị bảo vệ cho nhân viên. Theo ông, "bài thuốc" cho đại dịch là kiểm soát và phong tỏa thành phố, có thể là một liều mạnh. Nhưng nếu mở cửa lại sớm sẽ dẫn đến virus tràn lan và tạo ra tình cảnh còn tồi tệ hơn nhiều.

Chuyên đề