Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu dự án sân bay Long Thành

Chiều nay (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để "đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án".

Tuy nhiên, mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo Luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.

Ngoài ra, cơ quan thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu dự án này phải sử dụng vốn nhà đầu tư, không bảo lãnh Chính phủ.

Tại các phiên thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nghi ngờ năng lực tài chính của ACV và nếu giao đơn vị này đầu tư sẽ ảnh hưởng tới nợ công.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và "khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành". Dù chỉ 8 sân bay có lãi trong 21 sân bay đang quản lý, mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Chuyên đề