Quảng cáo trên thiết bị di động đang tăng mạnh. Ảnh: Internet |
Năm 2018, quảng cáo số đạt 663 triệu USD
Theo nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia có độ kiên nhẫn xem quảng cáo lâu nhất thế giới với 19 giây, trong khi thời gian trung bình của các quốc gia khác chỉ đạt từ 8 - 9 giây. Người dùng luôn sẵn sàng xem quảng cáo video ngắn để nhận được phần thưởng trong ứng dụng hoặc trò chơi, đây là cơ hội lớn để các nhà quảng cáo nắm lấy, nhưng cần cân nhắc trong việc tìm hiểu kỹ hành vi của người xem.
Cũng theo báo cáo, Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia có lượng tải ứng dụng và trò chơi điện thoại cao nhất thế giới cùng chi phí dành cho quảng cáo trên lượt cài đặt thấp nhất trong khu vực. Cụ thể là 0,25 USD trên thiết bị iOS và 0,10 USD trên thiết bị Android.
Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thiết bị di động đã tạo nền tảng vững chắc cho thị trường quảng cáo và ứng dụng trên nền tảng di động tại Việt Nam. Năm 2018, tổng chi cho quảng cáo số đạt 663 triệu USD, trong đó quảng cáo trên thiết bị di động chiếm hơn 62%. Theo dự đoán, quảng cáo số còn tiếp tục tăng trưởng và đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2020, quảng cáo trên thiết bị di động cũng góp phần không nhỏ khi chiếm gần 80% tổng chi tiêu dành cho quảng cáo số.
Trong những năm tới, mạng xã hội sẽ luôn thống lĩnh thị trường quảng cáo số Việt Nam với 45 triệu người dùng trên nhiều nền tảng khác nhau như Facebook, Zalo, Instagram... Quảng cáo video tiếp tục là ngôi sao mới trong thị trường quảng cáo số với tốc độ phát triển mạnh mẽ, tăng 84% trong năm 2018. Chi tiêu cho quảng cáo video sẽ tiếp tục tăng mạnh từ 40 - 60% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
Mặt khác, quảng cáo trên công cụ tìm kiếm sẽ chậm lại do người Việt có xu hướng vào những trang được thực hiện tự nhiên do SEO hơn là có mác quảng cáo. Vì vậy, trong tương lai, thị phần của loại hình quảng cáo này sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho các loại hình quảng cáo khác.
Thế hệ Z thống lĩnh thị trường trong tương lai
Theo nhận định của Appota, thế hệ Z (những người sinh khoảng năm 1995 đến 2005) sẽ thống lĩnh thị trường trong tương lai. Đây chính là thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ huy hoàng của Internet. Họ bị cuốn hút bởi sự sáng tạo, thử thách trong những nội dung số với 74% chơi game trên điện thoại ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần chơi đều dành từ 60 - 90 phút.
Thế hệ Z không chỉ tiếp nhận nội dung mà còn thích tự sáng tạo nội dung, họ tạo ra những xu thế mới bằng cách chia sẻ, bình luận những sản phẩm thoả mãn tính giải trí và mong muốn của mình với bạn bè. Tuy nhiên, thế hệ Z cũng rất ghét bị quảng cáo tấn công và xâm chiếm không gian trực tuyến của mình, 53% sẽ sẵn sàng đóng quảng cáo ngay khi xuất hiện.
Trong 5 năm tới sẽ có hơn 14 triệu người thuộc thế hệ Z bước vào tuổi lao động và trở thành một nhóm tiêu dùng chính trong thị trường. Đây cũng là thế hệ có sức ảnh hưởng tới việc mua sắm, đi du lịch hoặc tư vấn sử dụng các loại hình dịch vụ cho gia đình bởi khả năng tìm hiểu và xác minh các thông tin qua Internet. Do đó, các thương hiệu cần thấu hiểu được tâm lý của thế hệ Z mới có thể sáng tạo những nội dung quảng cáo đáp ứng kỳ vọng và trải nghiệm của họ đối với thương hiệu.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018 ghi nhận sự bùng nổ số lượng người chơi và xem game eSports nhờ sự phát triển nhanh của nền công nghiệp mới - livestream. Hình thức này đã thu hút hàng triệu khán giả theo dõi, tương tác với các streamer và có dấu hiệu không ngừng tăng.
Cụ thể, trung bình số giờ xem livestream chơi game mỗi ngày tại Việt Nam (nửa đầu năm 2019) là 402.000 giờ, thời lượng xem đến từ thiết bị di động chiếm 61%. Với con số này, người Việt đang đứng số 1 trên Facebook và thuộc top đầu trên Youtube về thời lượng xem livestream.
Đây sẽ là một kênh tương tác tuyệt vời giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Chi tiêu quảng cáo trên nền tảng phát trực tuyến với các gaming streamer/KOLs sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn cho các thương hiệu.