Quản lý vốn và tài sản nhà nước: Rất cần có “trọng tài”

(BĐT) - Nắm giữ khối tài sản “khổng lồ” gấp 1,2 lần GDP cả nước, nhưng những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ. 
Giá trị vốn nhà nước thu về từ cổ phần hóa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Giá trị vốn nhà nước thu về từ cổ phần hóa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế.

Đầu tư lớn nhưng vẫn làm ăn thua lỗ

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kết quả sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 - 2016. Theo kết quả công bố thì đến tháng 6/2016, tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Điều này đã khiến nhiều công ty nông, lâm nghiệp gặp khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí có công ty đã phải dừng hoạt động và giải thể.

Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến cũng chỉ ra, công tác cổ phần hóa (CPH) DNNN tiến hành chậm, thiếu thực chất, giá trị vốn nhà nước thu về từ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn nhà nước đầu tư tại các DN nên chưa đạt mục tiêu phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước nói riêng, của nền kinh tế nói chung.

Ông Tạ Đình Xuyên, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thực tế một số DNNN về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần bởi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ; hoặc các đối tác mua cổ phần là những DNNN, tức là xét riêng là các DN cổ phần nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các DN này thì cả nhóm lại là DNNN. Đề cập về tính minh bạch của khối DN này, Dự thảo Đề án chỉ ra bất cập: “Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN tiếp tục phân tán, trách nhiệm giải trình rất thấp và công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chưa được chú trọng đúng mức”.

Tại Hội thảo Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại DN vừa tổ chức, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận  định: “DNNN là khu vực “ăn tiền” Nhà nước đầu tư nhiều nhất trong nền kinh tế nhưng không tạo ra tiền là bao nhiêu, DN vẫn làm ăn kém hiệu quả”. Trong một nghiên cứu về tài sản công tại Việt Nam, ông Dag Detter, chuyên gia Ngân hàng Thế giới thông tin thêm, đa số tài sản thương mại nhà nước không có sự minh bạch và phần lớn các khoản bảo lãnh đều sử dụng sai mục đích, không được tính chi phí cơ hội.

Cần có “trọng tài” giám sát

Một cơ quan chuyên trách rất cần có người tài, nhưng hiện chúng ta vẫn thiếu cơ chế để chọn, giữ người tài để cơ quan này thực sự trở thành “trọng tài” giám sát hiệu quả trận đấu.
Khẳng định về sự cần thiết phải có một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại DN, chuyên gia Dag Detter ví von: Hai đội bóng khi thi đấu với nhau cần phải có trọng tài tham gia giám sát và điều hành trận đấu. Để đảm bảo công bằng, minh bạch kết quả trận đấu, trọng tài phải nỗ lực thể hiện năng lực tốt trong việc giám sát, bắt lỗi và xử lý lỗi trong trận đấu để các đội bóng cũng như khán giả tin tưởng vào kết quả cuối cùng. “Cơ quan chuyên trách cũng phải hoạt động theo nguyên tắc này mới có thể đạt được kết quả như mong đợi”, chuyên gia Dag Detter nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN. Tuy nhiên, sau khi đề xuất này đưa ra lấy ý kiến đã đón nhận một số ý kiến trái chiều vì cho rằng đây sẽ là “siêu ủy ban”, “siêu bộ” quản lý một khối tài sản công khổng lồ, sẽ khó đạt được mục tiêu là cơ quan chuyên trách.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, việc quản lý DNNN như hiện nay làm méo mó thị trường. Tên gọi Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN chỉ là tên gọi đề xuất ban đầu mà Dự thảo Nghị định đưa ra để đóng góp, bàn thảo. Đối với ý kiến về “siêu bộ”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “Đây là cách hiểu sai, lập một cơ quan quản lý chuyên về nghiệp vụ kinh tế của các DNNN không giống như các bộ hiện làm 2 việc một lúc như hiện nay. Không thể gọi là “siêu bộ” vì cơ quan này chỉ thực hiện chức năng được giao”.

Góp ý cho đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, một cơ quan chuyên trách rất cần có người tài, nhưng hiện chúng ta vẫn thiếu cơ chế để chọn, giữ người tài để cơ quan này thực sự trở thành “trọng tài” giám sát hiệu quả trận đấu.

Chuyên đề