Cơ quan quản lý liên ngành địa phương cho biết đã kiểm tra 130 lượt cửa hàng xăng dầu của Trịnh Sướng trong năm 2017 nhưng không phát hiện dấu hiệu vi phạm bán xăng giả và chỉ xử phạt hành chính một số lỗi vi phạm nhỏ. Do đó, nhiều ý kiến đặt ra về trách nhiệm của quản lý thị trường trong kiểm soát hàng giả khi để vụ việc xảy ra thời gian dài.
Trả lời VnExpress, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận, lực lượng này có một phần trách nhiệm khi đã không chủ động đề xuất kịp thời lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ.
"Việc phối hợp giữa các lực lượng còn hạn chế, làm chưa hết trách nhiệm nên mới dẫn tới tình trạng vừa rồi. Nếu lực lượng quản lý thị trường địa phương tham mưu hết trách nhiệm thì kiểm soát buôn bán xăng giả đã tốt hơn", ông Trần Hữu Linh nói.
Nguyên liệu hóa chất được dùng để pha chế xăng giả của đường dây buôn xăng giả của Trịnh Sướng
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý của nhiều lực lượng quản lý như xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hóa chất, đo lường chất lượng... thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Công Thương.
Do nhiều lực lượng quản lý giao thoa nên Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng gặp khó trong kiểm soát xăng giả. Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, quản lý thị trường chủ yếu kiểm tra về mặt lưu thông xăng dầu như điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, an toàn cháy nổ... trong khi kiểm định chất lượng xăng dầu thuộc về cơ quan quản lý đo lường (Bộ Khoa học & Công nghệ).
Muốn kiểm tra về chất lượng xăng dầu, quản lý thị trường phải yêu cầu phối hợp liên ngành và gặp một vài khó khăn. Ông Linh nêu ví dụ, kiểm tra tại một cửa hàng, đại lý xăng dầu có nghi ngờ sai phạm thì lấy mẫu xăng mang đi kiểm nghiệm cũng mất khoảng 1 tuần. Trong khi đó, xăng được tiêu thụ nhanh sau khi lấy mẫu, nên nếu phát hiện sai phạm sẽ khó khăn xử lý.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường nói, vụ Trịnh Sướng cho thấy cần chấn chỉnh lại việc thực thi nhiệm vụ của quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng xăng dầu, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào cần kịp thời đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp các cơ quan để xử lý.
Về mối quan hệ giữa ông Nguyễn Việt Trung - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Hữu Linh cho hay, vị này đã bị kiểm điểm và thay thế chức vụ trên từ cuối năm 2017.
Chia sẻ trước đó bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khó có sự câu kết cả hệ thống nhưng vẫn có thể xảy ra với một khâu hoặc nhóm nào đó.
Ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & môi trường thì đề nghị làm rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, trong đó có trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Ngoài ra, Ủy ban này sẽ có kế hoạch giám sát về quản lý chất lượng xăng dầu bán trên thị trường.
Kết quả điều tra của Công an tỉnh Đăk Nông cho biết, cuối năm 2018, cửa hàng xăng dầu của ông Trịnh Sướng ở thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) bị phát hiện bán hơn 10 m3 xăng giả. Hai người có liên quan sau đó bị khởi tố. Ông Trịnh Sướng bị cáo buộc có liên quan đến vụ án.
Ngoài cơ sở của ông Sướng, cảnh sát còn phát hiện 2 cơ sở bán xăng giả khác tại huyện Đăk Song và Đăk R'lâp, tỉnh Đăk Nông. Từ đầu năm 2017 đến nay, đường dây của ông Trịnh Sướng đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi pha trộn với chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả. Mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.