Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc tại Đồng Tháp

Ngày 15/9, tại Đồng Tháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, trong những tháng đầu năm 2017 tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp, tỉnh kiên trì thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hoá, giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, nhất là giá lúa, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh cây lúa, tỉnh tập trung phát triển cây ăn trái với các sản phẩm chủ lực như xoài, nhãn, cây có múi để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, tỉnh có 32/119 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Những năm qua, Đồng Tháp luôn là tỉnh tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 29 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký hơn 3.250 tỷ đồng, có thêm 380 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 2.370 tỷ đồng.

Các hoạt động du lịch có bước khởi sắc với việc thu hút 2,4 triệu khách, tăng 33% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 450 tỷ đồng. Cuối năm nay, tỉnh sẽ tổ chức Tuần lễ du lịch văn hoá Phương Nam để thu hút khách du lịch.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại và tố cáo, cải cách hành chính, thi hành án dân sự, tư pháp và thanh tra… đều đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà tỉnh Đồng Tháp đạt được thời gian qua. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng phân tích rõ các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh Đồng Tháp trong quá trình phát triển và hội nhập như thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ sản, đứng thứ 3 cả nước về sản lượng lúa (3,3 triệu tấn, xuất khẩu 2 triệu tấn), đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tận dụng tối đa hệ thống giao thông đường thuỷ thuận lợi với sông Tiền và sông Hậu chảy qua, nguồn nước ngọt và phù sa dồi dào, quỹ đất nông nghiệp lớn, khả năng hình thành các vùng chuyên canh để phát triển nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản…

Ảnh: VGP

Đồng Tháp cũng có cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp được quy hoạch và phát triển đồng bộ với 10 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp với tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 96%, các cụm công nghiệp đạt 62%.

Một điểm đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Đồng Tháp có nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, là lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái theo mùa, du lịch sông nước, làng nghề, ẩm thực… gắn liền với với các cảnh quan, địa danh đặc trưng của tỉnh như Xẻo Quýt, Tràm Chim, Gò Tháp, làng hoa Sa Đéc…

Đồng Tháp có nguồn nhân lực dồi dào, với gần 1,7 triệu dân, trong đó 70% trong độ tuổi lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Toàn tỉnh có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp nghề, 11 trung tâm dạy nghề cấp huyện…

“Đặc biệt, Đồng Tháp luôn có các chính sách thu hút đầu tư mang tính đột phá cùng nhiều ưu đãi trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước minh bạch trong thủ tục đầu tư, thân thiện với doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là nhân tố giúp Đồng Tháp phát triển thời gian qua”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 chương trình công tác trọng tâm và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội với một số điểm nổi bật như tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích hỗ trợ các địa phương nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, củng cố kinh tế hợp tác với 162 hợp tác xã, 968 tổ hợp tác đang hoạt động.

Trong đó, Đồng Tháp là địa phương đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ, thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, tạo nhiều kênh thông tin kết nối với các doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thắp hương tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà tỉnh Đồng Tháp cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, việc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu đối với tỉnh Đồng Tháp cần có nguồn lực đầu tư lớn (nhân lực, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ…), cần có thời gian thích ứng của nông dân, doanh nghiệp; tay nghề và sự chuyện nghiệp của một bộ phận người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; các sản phẩm vẫn là dạng thô, sơ chế, công nghiệp bảo quản và chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản, sử dụng vốn và lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu do chi phí cao…

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017.

Theo đó, tỉnh cần tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, đồng thời tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông thuỷ sản, bảo quản, chế biến sâu, xây dựng các mô hình, muốn tham gia chuỗi giá trị thì phải xây dựng được thương hiệu tốt, đủ sức cạnh tranh với liên kết vùng với các tỉnh khu vực, xây dựng hành lang kinh tế biên mậu, kinh tế biên giới; đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư hệ thống giao thông hạ tầng; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, rà soát thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Phát huy cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo 389 trên địa bàn biên giới giữa các lực lượng chuyên trách. Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại khu vực trọng điểm như biên giới, nhà ga, bến tàu xe, đường sông… đối với công tác này. Đồng thời, xử lý nghiêm bất cứ cá nhân nào có hành vi bảo kê, tiếp tay, dung túng cho buôn lậu trên địa bàn. Các cấp chính quyền cần có giải pháp nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới và tuyên truyền nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, nghiên cứu các địa bàn thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh vùng biên giới để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế, đẩy lùi hoạt động buôn lậu”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao quà cho bà Nguyễn Thị Phới, vợ liệt sĩ, trú tại thành phố Cao Lãnh. Ảnh: VGP

Có giải pháp trong việc giữ gìn hệ sinh thái đa dạng và phong phú trong khu vực, không để vì phát triển kinh tế, du lịch mà ảnh hưởng hoặc huỷ hoại môi trường.

Tổ chức nghiêm việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo theo định kỳ, đột xuất theo quy định; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục thực hiện kế hoạch Năm an toàn giao thông 2017; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, địa bàn cửa khẩu; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; chỉ đạo thường xuyên đấu tranh, trấn áp tội phạm; sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai…

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đến thăm cán bộ, nhân viên Công ty Xuất nhập khẩu y tế Đồng Tháp. Năm 2016, doanh số công ty đạt 1.300 tỷ đồng, giải quyết cho 1.300 lao động, đứng thứ 284 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 7 trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, hoá chất, dược liệu và thiết bị y tế.

Với những thành tích trên, công ty đã được Chủ tịch nước tăng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến viếng và thắp hương tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh và thăm hỏi vợ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Phới, trú tại thành phố Cao Lãnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Tháp đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 2.646 tỷ đồng so với cùng kỳ; tỉ lệ lấp đầy các khu công nghệ đạt 96%; thu hút 2,4 triệu lượt khách du lịch (tăng 33% so với cùng kỳ); thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.687 tỷ đồng; thu hút thêm 29 dự án đầu tư với 3.252 tỷ đồng vốn đăng ký…

Chuyên đề