Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: 8 nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 896

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (BCĐ 896) nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 896 trong hội nghị trực tuyến được tổ chức vào chiều 7/4.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra 8 nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 896. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra 8 nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 896. Ảnh: VGP

Xác định 3 nhiệm vụ quan trọng của năm 2020

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2019, BCĐ 896 đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, nhiều bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo các nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của BCĐ 896 đã quyết liệt, chủ động bố trí nguồn vốn bằng việc rà soát, cắt giảm từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân trong giai đoạn 2019-2020 và đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó xác định tổng mức đầu tư dự án hơn 3.085 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện 2018-2021.

Việc thu thập thông tin dân cư cơ bản hoàn thành tại các địa phương. Công tác quét phiếu thu thập thông tin tính đến tháng 12/2019 đã tiến hành được 59 tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 80 triệu phiếu thu thập thông tin dân cư, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ quét phiếu đạt 100% như Bắc Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc...

“Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Văn phòng BCĐ đã chủ động kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 896 tại một số địa phương trọng điểm; tổng hợp tình hình, kết quả triển khai; kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 896”, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ: Công an, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số địa phương như Bắc Ninh, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc... trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là về nguồn vốn cũng như đưa ra các giải pháp trong việc hoàn thành việc thu thập và quét phiếu thu thập thông tin dân cư.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV. Để tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, Chính phủ xác định phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Đây cũng là năm cuối thực hiện Đề án 896.

“Để thực hiện Đề án thành công, chúng ta còn 3 nhiệm vụ rất quan trọng, gồm: Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành văn bản thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các nghị quyết của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Ảnh: VGP

8 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 896

Để triển khai tốt Đề án 896 trong năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương và thành viên BCĐ 896 một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an cần khẩn trương thực hiện các bước xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2020, sử dụng, khai thác từ năm 2021, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định.

Thứ hai, Bộ Công an thực hiện nghiêm Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 4/2/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài nguồn vốn do Bộ Công an đã chủ động cân đối, nguồn vốn còn lại Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất bố trí vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành các văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định trong các nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình. Riêng Bộ Nội vụ, khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong tháng 4 này và ban hành kế hoạch để thực hiện (hiện nay chỉ riêng Bộ Nội vụ chưa hoàn thành nhóm nhiệm vụ này).

Thứ tư, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần tiếp tục triển khai cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong quá trình nhập dữ liệu công dân, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và chính quyền các địa phương để bảo đảm thông tin chính xác. Đối với các trường hợp thiếu, sai sót thông tin, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thông tin cho công dân và phối hợp chặt chẽ với công dân trong đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác trước khi cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ năm, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời hạn khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân cho đến khi hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giải trình cụ thể các vấn đề liên quan trong tháng 4 này, nội dung này đã được Bộ Công an báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020.

Theo đó, việc xây dựng và thực hiện hồ sơ, dữ liệu của các bộ ngành cần sự phối hợp đồng bộ, không để trùng dẫm, chồng chéo, cùng chia sẻ, tích hợp đồng bộ các dữ liệu mà trách nhiệm chính là Bộ Công an với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, không để xảy ra lãng phí, tốn kém.

Thứ sáu, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu quy định cụ thể về thành phần, tên gọi và xây dựng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định để phục vụ thu thập thông tin dân cư và công tác quản lý nhà nước.

Thứ bảy, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) chủ trì, phối hợp cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, ban hành danh mục các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo để các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện.

Thứ tám, giao Văn phòng BCĐ xây dựng kế hoạch tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2020 và các biểu mẫu báo cáo chi tiết, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tổng kết. Trong đó chú ý việc đề xuất khen thưởng cho tập thể, cá nhân phải đúng người, đúng việc và đúng quy định về thi đua, khen thưởng.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, Văn phòng BCĐ tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp với Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo Trưởng BCĐ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm Kế hoạch năm 2020 của BCĐ 896 được thực hiện đúng thời gian, hiệu quả.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tất cả các thành viên của BCĐ, Văn phòng BCĐ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính và Văn phòng Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.

Chuyên đề