Phạt tù bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 17/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Phạm Duy Thông 11 năm 6 tháng tù giam.
Phạt tù bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bị cáo Phạm Duy Thông (sinh năm 1968, trú ở phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) bị phạt 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tổng hợp hình phạt chung cho bị cáo Thông là 11 năm 6 tháng tù giam. Phạm Duy Thông chính là đối tượng đã giả danh là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Bùi Duy Đạc (sinh năm 1968, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng nhiều bị hại khác.

Tại phiên tòa đã làm rõ: Phạm Duy Thông mở một văn phòng môi giới nhà đất tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Để thu hút nhiều khách hàng và có tiền chi tiêu, Thông luôn bịa chuyện, nói với nhiều người rằng bản thân Thông đang làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vì thế có thể làm được “sổ đỏ” cho những ai có nhu cầu.

Trong lúc đó, năm 2015, vợ chồng ông Bùi Duy Đạc đang rất muốn làm thủ tục chuyển đổi mảnh đất nông nghiệp sang đất ở đô thị.

Thông qua người quen giới thiệu, ông Đạc đã tìm đến nhờ Thông giúp đỡ làm thủ tục chuyển đổi với chi phí khoảng 400 triệu đồng.

Để chắc chắn, ông Đạc đã nhiều lần kiểm tra xem Thông có phải là cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường hay không. Kết quả, mỗi lần hẹn gặp nhau trao đổi, vợ chồng ông Đạc đều thấy Thông đi từ trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Thấy vậy, ông Đạc tin tưởng Thông là cán bộ cơ quan Nhà nước, có khả năng giúp đỡ gia đình ông nên từ tháng 9 - 11/2015, vợ chồng ông Đạc liên tục giao tổng cộng 175 triệu đồng cho Thông. Sau đó, khi bị hối thúc về tiến độ làm “sổ đỏ”, Thông liền thuê người đến đo đạc thửa đất như thật.

Tiếp đó, để tạo lòng tin, Thông thuê người làm giả “sổ đỏ”, đồng thời yêu cầu gia đình ông Đạc giao nốt số tiền hơn 300 triệu đồng.

Hành vi của Thông chỉ bị phát giác khi một thời gian sau, ông Đạc mang tấm “sổ đỏ” của gia đình tới cơ quan chức năng đề nghị được đính chính sai sót mới phát hiện ra là “sổ đỏ” giả.

Với cùng thủ đoạn trên, trong hai năm 2015- 2016, Thông tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt 335 triệu đồng của hai bị hại khác, nâng tổng số tiền chiếm đoạt bất chính lên hơn 740 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Thông mới chỉ khắc phục, bồi thường được 170 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt còn lại, Tòa đã tuyên buộc Thông phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho các bị hại.

Chuyên đề