Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn, hiện chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống. Ảnh: Lê Tiên |
Lộ trình phát triển năng lượng tái tạo đang được Bộ Công Thương xây dựng dự kiến sẽ chuyển từ cơ chế khuyến khích theo giá Feed-in Tariffs (FIT) áp dụng cho năng lượng tái tạo sang cơ chế đấu giá hoặc đấu thầu.
Làn sóng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Tại Hội thảo quốc tế Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon tại Việt Nam diễn ra ngày 12/3, tại Hà Nội, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng ở Đông Nam Á, và được xếp trong nhóm bốn quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về sản xuất dầu khí và trữ lượng dầu. Chính phủ Việt Nam cũng đang có những sáng kiến để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, giảm thiểu cacbon, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, đang có một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo ông Hưng, đến cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW... Đối với điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.
“Như vậy, tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn, đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống”, ông Hưng chia sẻ.
Về cơ chế giá điện năng lượng tái tạo, theo bà Trần Hương Giang, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương, đến nay, gần như các loại năng lượng tái tạo đã có mức giá rất khuyến khích nhà đầu tư. Đơn cử như giá điện gió là 8,5 UScents/kWh cho các dự án trên bờ, 9,8 UScents/kWh cho các dự án ngoài khơi. Đối với điện mặt trời là 9,35 UScents/kWh; điện sinh khối có giá là 5,8 UScent/kWh...
Yêu cầu minh bạch thị trường điện
Các chuyên gia kinh tế cho biết, các dự án năng lượng tái tạo thường có mức đầu tư rất lớn, song rủi ro cũng không ít. Vì vậy, việc công khai, minh bạch thị trường này là rất cần thiết để tăng niềm tin đối với nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong 7 giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng tái tạo được Công ty Luật Watson Farly & Williams nhấn mạnh.
Theo công ty này, hiện tất cả các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền của Việt Nam đều được tài trợ thông qua các ngân hàng trong nước và khu vực. Việc minh bạch thông tin cho những người cho vay quốc tế là rất cần thiết để họ quyết định đầu tư.
Để minh bạch hóa thị trường điện Việt Nam, bà Trần Hương Giang cho biết, Bộ Công Thương đang được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng lộ trình phát triển năng lượng tái tạo. Theo lộ trình này, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển cơ chế giá FIT áp dụng cho năng lượng tái tạo hiện nay sang cơ chế đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án.
Cụ thể, giai đoạn năm 2021 - 2025 sẽ áp dụng đồng thời cơ chế giá FIT và đấu giá/đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo; nhưng giai đoạn sau năm 2025 sẽ chuyển toàn bộ sang cơ chế đấu giá/đấu thầu.
Trao đổi thêm với Báo Đấu thầu, bà Giang nhấn mạnh, việc chuyển sang cơ chế đấu giá/đấu thầu thay thế cơ chế giá FIT hiện hành là rất cần thiết, góp phần tăng tính minh bạch cũng như cạnh tranh hơn trên thị trường điện. “Đấu giá/đấu thầu sẽ là một cơ chế minh bạch, không phải là xin - cho, từ đó bớt ảnh hưởng đến việc tăng giá điện. Còn với cơ chế giá FIT, cứ ai đến trước thì đăng ký trước, chưa tạo được thị trường nguồn điện tái tạo cạnh tranh”, bà Giang chia sẻ.
Cũng theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cơ chế giá FIT thường tính cho một giai đoạn mấy năm, nhưng trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh như hiện nay thì áp dụng cơ chế đấu giá/đấu thầu minh bạch hơn rất nhiều.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng từng chia sẻ với báo giới rằng: “Thực tế cơ chế giá FIT hiện nay là cơ chế xin cho. Để hạn chế việc xin cho, chúng ta phải nghiên cứu nhằm có cơ chế đấu giá để những nhà đầu tư thật sự có năng lực, đưa ra bản chào tốt nhất sẽ được lựa chọn phát triển dự án”.