Theo đánh giá của TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm UB về Các vấn đề XH của Quốc hội là tỷ lệ tham gia BHYT bao phủ khá đồng đều trên toàn quốc |
Nhận định này được nêu ra tại Buổi giao lưu trực tuyến về phát triển bền vững BHYT toàn dân diễn ra vào cuối tuần qua.
Đạt tỷ lệ bao phủ đồng đều
Đánh gái về kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT.
Không chỉ về số lượng, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cũng ngày càng được cải thiện. Nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế (năm 2018 giảm xuống còn 37%), góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Cụ thể, theo ông Phan Văn Toàn, đến nay, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số. Năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7% và chỉ tiêu đã được Quốc hội giao cho Chính phủ (bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).
Theo đánh giá của TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đây là một trong những thành công đáng kể, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
“Cách đây khoảng 5 - 10 năm, tỷ lệ tham gia BHYT rất khác nhau giữa các địa phương. Nhưng đến nay rất mừng tỷ lệ này bao phủ khá đồng đều trên toàn quốc, tức là diện bao phủ rất lớn” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Phải bền vững về độ bao phủ và tài chính
Tuy nhiên, tại Buổi giao lưu trực tuyến, một số ý kiến cho rằng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt gần 90%, nhưng để 10% dân số còn lại vận động tham gia BHYT vẫn là một thách thức lớn.
Theo ông Phạm Song Hà, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội của Báo Nhân Dân, hiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật và tổ chức thực hiện Luật BHYT. Một số văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức KCB BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…
Qua thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội cho thấy, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hiện chưa đồng đều giữa các vùng miền. Ở một số vùng miền, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa..., công tác chăm sóc sức khỏe vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về hưởng lợi của dịch vụ BHYT của người dân giữa các vùng miền. Mặt khác, số lượng người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách vẫn còn chiếm tỷ trọng rất cao, hơn 60%. Điều này nghĩa là ngân sách chi cho BHYT rất lớn, có nguy cơ vỡ Quỹ.
Trong số 10% dân số chưa tham gia BHYT, nhiều hộ gia đình và một bộ phận người dân có thu nhập cao hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT, nhưng lại chưa tham gia…
Để phát triển BHYT bền vững, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Thứ nhất là phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi KCB mà không có BHYT. Thứ hai là phải bảo đảm bền vững về tài chính.
Chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng mức đóng BHYT hiện nay từ 4,5% lên 6% như Luật BHYT cho phép. Tuy nhiên, nếu tăng nhanh, thì sẽ gây áp lực cho người dân, cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần có quy định lộ trình tăng cụ thể. Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Trong thời gian tới, theo quan điểm của ông Lợi, cần có sự thay đổi, cả về phương diện tuyên truyền cho người dân, lẫn thay đổi cách thức triển khai dịch vụ BHYT.
Để thay đổi nhận thức của người dân, cần tập trung vận động, tuyên truyền, làm sao để những đối tượng nêu trên có thể tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước. Mục đích của BHYT là phải bảo đảm sức khỏe tốt nhất, sự hài lòng tốt nhất trong nhân dân, từ đó tạo cơ hội thu hút sự tham gia hệ thống an sinh xã hội này của những đối tượng chưa tham gia BHYT như nêu trên. Muốn vậy, phải thực hiện cơ chế tài chính y tế rất công minh và hiệu quả, giúp cho hệ thống BHYT bền vững hơn. Mặt khác, dần dần phải giảm tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước xuống và tăng tỷ trọng tham gia của hệ thống y tế tư nhân.
Về cách thức triển khai dịch vụ BHYT, ông Nguyễn Tất Thao cho biết, cơ quan BHXH Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL), hiện đại hóa công tác giám định BHYT. Những CSDL này đã giúp ngành BHXH cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng và hoàn thiện nguồn CSDL quốc gia về bảo hiểm, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử. Việc cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất là một trong tám dịch vụ công được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, và người dân có thể thực hiện ngay dịch vụ này ngay từ đầu tháng 12/2019.