Xem xét hợp đồng tương tự để tính năng lực kinh nghiệm như thế nào?

(BĐT) - Việc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công gói thầu tương tự trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 5 năm gần nhất so với thời điểm tổ chức sơ tuyển nhằm mục đích đánh giá một cách chính xác về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu tại thời điểm sơ tuyển, đồng thời không làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu.
Xem xét hợp đồng tương tự để tính năng lực kinh nghiệm như thế nào?

Hỏi: Năm 2016, Chủ đầu tư M tiến hành thủ tục sơ tuyển đối với một gói thầu xây lắp. Trong đó, hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) quy định nhà thầu cần liệt kê các hợp đồng tương tự đã thực hiện và hoàn thành trong các năm 2012, 2013, 2014.

Nhà thầu A tham dự thầu gói thầu và có một số hợp đồng ký kết năm 2012 nhưng hoàn thành năm 2015. Trong trường hợp này, bên mời thầu có được xem xét các hợp đồng hoàn thành năm 2015 để tính năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu A hay không?

Trả lời: Theo hướng dẫn tại Ghi chú số 5 Mục 2.1 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp ban hành kèm Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu và tình hình thực tế của ngành, địa phương mà có thể quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công một số gói thầu tương tự trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 5 năm.

Việc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công gói thầu tương tự trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 5 năm gần nhất so với thời điểm tổ chức sơ tuyển nhằm mục đích đánh giá một cách chính xác về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu tại thời điểm sơ tuyển, đồng thời không làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu.

Đối với trường hợp nêu trên, do thời gian bắt đầu tổ chức sơ tuyển là năm 2016 nên việc HSMST quy định chỉ xem xét các hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014 là chưa phù hợp, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Theo đó, trường hợp bên mời thầu đã phát hành HSMST nhưng chưa đóng sơ tuyển thì phải sửa đổi HSMST bằng cách gửi văn bản sửa đổi tới tất cả các nhà thầu đã nhận HSMST, đồng thời gia hạn thời điểm đóng sơ tuyển (nếu cần thiết) trên cơ sở bảo đảm đủ thời gian để nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ dự sơ tuyển.

Trường hợp đã đóng sơ tuyển thì coi đây là tình huống trong đấu thầu phát sinh ngoài quy định tại Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, chủ đầu tư cần xem xét, quyết định xử lý tình huống theo hướng yêu cầu tất cả các nhà thầu tham dự sơ tuyển kê khai các hợp đồng tương tự đã hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến trước thời điểm đóng sơ tuyển để xem xét, đánh giá về kinh nghiệm thi công gói thầu tương tự.

Chuyên đề