Vụ PVN mất trắng 800 tỷ đồng: Điều tra trách nhiệm cá nhân

(BĐT) - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ và cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc để mất toàn bộ 800 tỷ đồng vốn góp vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc quản lý phần vốn góp 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank . Ảnh: Lê Tiên
Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc quản lý phần vốn góp 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank . Ảnh: Lê Tiên

PVN mất trắng 800 tỷ đồng, lỗi tại ai?

Vào tháng 3/2017, Hội đồng xét xử vụ án Hà Văn Thắm đã ra quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung sau 8 ngày xét xử. Gần đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung số 110/C46-P11 đề nghị truy tố thêm một số hành vi của các bị can cũng như một số cá nhân khác. Trong số các nội dung được Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung, có vấn đề trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc quản lý phần vốn góp 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank.

Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 9/2008, lãnh đạo PVN có ký thỏa thuận về việc PVN góp 20%, Ngân hàng Hồng Việt tham gia góp 10% vốn điều lệ của OceanBank. PVN đề cử nhân sự tham gia HĐQT, trong đó có 1 nhân sự đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, 1 nhân sự kiêm Tổng giám đốc và 1 nhân sự tham gia Ban kiểm soát.

Ngân hàng Hồng Việt là ngân hàng được thành lập trên cơ sở góp vốn của các cán bộ công nhân viên của PVN. Với thỏa thuận góp vốn này, OceanBank sẽ tiếp nhận các nhân sự của Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt, cũng như tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã mua sắm cho ngân hàng này.

Sau đó, PVN đã góp đủ số vốn thỏa thuận. Số tiền góp vốn này có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN. Hiện, OceanBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng và PVN đã chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ. Do đó, PVN đã ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.

Sau khi góp đủ 400 tỷ đồng theo thỏa thuận, PVN còn góp vốn 2 đợt khác khi OceanBank tăng vốn điều lệ để duy trì tỷ lệ sở hữu 20%. Trong đó, đợt góp vốn cuối cùng, 100 tỷ đồng, diễn ra vào tháng 5/2011 đã vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Theo đó, Khoản 2 Điều 55 quy định, một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn  điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Tại Kết luận thanh tra số 427/KL-TTGSNH1 ngày 27/12/2012 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ quan này đã yêu cầu HĐQT OceanBank chậm nhất đến ngày 30/6/2013 phải có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, trong đó có PVN.

Tuy nhiên, OceanBank và PVN không thực hiện. Đến năm 2014, khi OceanBank bị thanh tra thì cơ quan thanh tra tiếp tục kiến nghị việc này. Khi đó, PVN mới có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại OceanBank.

Hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung làm rõ và cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo PVN quyết định việc góp vốn vào OceanBank và việc quản lý, sử dụng số tiền được chia cổ tức, vai trò của những người được cử tham gia đại diện phần vốn góp, quản lý vốn góp...

Do thời hạn điều tra bổ sung vụ án đã hết và hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này độc lập, không liên quan đến hành vi phạm tội trong vụ án Hà Văn Thắm nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách nhóm hành vi này để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án. 

Cựu Phó Tổng giám đốc PVN tham ô hơn 49 tỷ đồng

Tài liệu điều tra thể hiện PVN đã giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc OceanBank từ năm 2009 đến tháng 11/2010. Trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc OceanBank, Sơn và Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank thỏa thuận chi lãi ngoài huy động vốn cho nhóm khách hàng dầu khí.

Sau khi về PVN làm Phó Tổng giám đốc, Nguyễn Xuân Sơn không còn giữ chức vụ tại OceanBank, nhưng vẫn là người đại diện vốn của PVN tại ngân hàng này. Lợi dụng uy tín, vị thế của PVN và lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền gửi huy động được từ PVN và các đơn vị thành viên, Nguyễn Xuân Sơn vẫn yêu cầu Hà Văn Thắm phải tiếp tục thực hiện thỏa thuận chi lãi ngoài. Chủ trương này được thực hiện liên tục đến tháng 6/2014.

Tài liệu điều tra xác định, Hà Văn Thắm là người đã ra chủ trương và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên OceanBank chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống. Việc làm này trái với các quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn, gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng cho OceanBank.

Quá trình điều tra cũng xác định Hà Văn Thắm đã thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn về việc OceanBank chi tiền lãi suất ngoài huy động vốn tiền gửi của PVN cho Nguyễn Xuân Sơn.

Tổng cộng, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 246,6 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài trong giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2014. Trong đó, chiếm đoạt số tiền 49,3 tỷ đồng của PVN tại OceanBank.

Phần tiền còn lại, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt qua hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Sơn lợi dụng là Tổng giám đốc của OceanBank và Phó Tổng giám đốc PVN, lợi dụng uy tín, vị thế của đơn vị gửi tiền PVN... đã yêu cầu Hà Văn Thắm chi lãi ngoài.

Chuyên đề