Vụ “logo xe vua”: Bị cấp dưới tố nhận hối lộ, cán bộ CSGT “phản pháo”

Nguyễn Cảnh Chân (nguyên CSGT tỉnh Đồng Nai) thừa nhận từ 7/4/2015 đến 7/8/2015, Thới đã đưa cho Chân số tiền 600 triệu đồng. Trong đó, Chân giữ lại 300 triệu đồng, số còn lại đưa cho ông T., 1 Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên ông T. phủ nhận lời khai của Chân.
Bị cáo Thới bị xét xử theo khoản 4 điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù.
Bị cáo Thới bị xét xử theo khoản 4 điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù.

Nguyên CSGT đối mặt với 15 năm tù

Theo dự kiến ngày 14/8, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976), Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) cầm đầu và các đồng phạm về các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.

Liên quan vụ án, Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc tội môi giới hối lộ.

Phiên tòa này do thẩm phán Huỳnh Văn Trực làm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Uyên Thy và 3 hội thẩm nhân dân. Giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Trương Hùng Cường (kiểm sát viên, Viện KSND TPHCM).

Trong phiên tòa sắp tới có 5 luật sư bào chữa cho 10 bị cáo. Ngoài ra nhằm làm rõ một số vấn đề của vụ án, HĐXX cũng triệu tập 5 người tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Đáng chú ý các bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố theo khoản 2 điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 2- 7 năm tù. Tuy nhiên trước phiên tòa HĐXX quyết định thay đổi khung hình phạt nặng hơn đối với các bị cáo.

Theo đó bị cáo Nguyễn Văn Thới và Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1971, tại Long An) bị xét xử theo khoản 4 điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 12 – 20 năm tù. Bị cáo Lê Thị Cẩm Vân bị xét xử theo khoản 3 với khung hình phạt từ 7 – 12 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân cũng bị tòa chuyển khung phạt từ khoản 2 Điều 364 tội môi giới hối lộ sang khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt từ 8 -15 năm tù.

Theo hồ sơ, đây là vụ án mua bán logo xe “vua” cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu về gần 23 tỉ đồng và Thới, Vân đã dùng một phần số tiền này để đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, Thanh tra giao thông (TTGT) (bao gồm cả bị cáo Chân) trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Sếp phủ nhận lời khai

Tại phiên tòa ngày 19/4, bị cáo Chân khai nhận từ tháng 7/2014 cho đến khi cơ quan CSĐT phát hiện thì Chân có nói với ông S., Đội trưởng 1 đội thuộc phòng CSGT tỉnh Đồng Nai. Từ đó thì Thới đưa tiền cho bị cáo chuyển cho anh S. Trong thời gian này, Thới đã chuyển tiền cho Chân 7 lần với tổng số tiền 600 triệu đồng, Chân đều đưa cho ông S., mỗi lần ông S. cho Chân 5 – 10 triệu đồng.

Bị cáo Chân khai đưa cho ông T. 300 triệu đồng.

Đến tháng 5/2015, ông S. qua đời thì Chân tiếp tục tìm đến ông T. (1 Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) giúp đỡ Thới thì được ông T. đồng ý. Trong thời gian từ 7/4/2015 đến 7/8/2015, Thới đã đưa cho Chân số tiền 603 triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng phúng viếng ông S., số còn lại dùng hối lộ. Liên quan tới số tiền này, Chân khai đưa cho ông T. 300 triệu số còn lại giữ lại.

Trong thời gian này xe có dán “logo xe vua” bị bắt thì Thới gọi cho Chân và Chân báo lại cho ông T.; còn sau đó ông T. xử lý như thế nào thì Chân không rõ.

Do phát sinh tình tiết mới của vụ án, nhằm làm rõ lời khai của bị cáo Chân nên HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cho đối chất giữa bị cáo Chân và ông T. Tại buổi làm việc này bị cáo Chân bảo lưu toàn bộ lời khai của mình. Còn ông T. khai từ tháng 4/2015, ông T. đã chuyển công tác đến phòng cảnh sát môi trường, công an tỉnh Đồng Nai và không có việc nhận hối lộ từ Nguyễn Cảnh Chân.

Chuyên đề