Vụ Công ty Dệt Quế Võ: Cán bộ ngân hàng kháng cáo, xin chuyển tội danh


Các cán bộ ngân hàng đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và chuyển tội danh sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm (ảnh minh hoạ)
Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm (ảnh minh hoạ)

TAND tỉnh Bắc Ninh vừa nhận được đơn kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Dệt Quế Võ và chi nhánh Qũy hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

Các bị cáo Nguyễn Việt Hoàng (SN 1977, ở quận Cầu giấy, Hà Nội, nguyên giám đốc Công ty Dệt Quế Võ) và Nguyễn Quốc Hùng (SN 1970, lái xe, nguyên phó giám đốc CTCP Dệt may xuất khẩu Chương Dương) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ chi nhánh Qũy hỗ trợ phát triển Bắc Ninh (nay là Ngân hàng phát triển Việt Nam) phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước gồm: Nguyễn Thế Tài (SN 1977, cán bộ tín dụng), Trần Đức Lực (SN 1965, nguyên phó giám đốc), Nguyễn Huy Bình (SN 1973, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Thế Thư (SN 1952, nguyên giám đốc) cũng đồng loạt chống án xin giảm nhẹ hình phạt và chuyển tội danh từ tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Thanh (SN 1971, nguyên kế toán trưởng, lĩnh án 14 năm 6 tháng tù) không kháng cáo.

Phía ngân hàng cũng gửi đơn kháng cáo yêu cầu bồi thường khoản lãi 57 tỷ đồng.

Trước đó, bị cáo Hoàng và Hùng bị xử phạt 15 năm tù. 4 bị cáo ngân hàng lĩnh án từ 6 – 8 năm tù.

Chủ mưu vụ án là vợ chồng Doãn Ngọc Giang và Kiều Thị Thanh Hương hiện đang bỏ trốn.

Theo bản án sơ thẩm, vợ chồng Giang cử Nguyễn Việt Hoàng làm đại diện Công ty Dệt Quế Võ, Hùng là phó giám đốc CTCP Dệt may xuất khẩu Chương Dương. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy dệt được lập ra năm 2005. Các bị cáo sử dụng các pháp nhân trên tạo dựng hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị nhằm vay vốn chi nhánh số tiền 45 tỷ đồng.

Quá trình thẩm định, các cán bộ chi nhánh không kiểm tra chứng từ giải ngân, đặc biệt không đối chiếu tờ khai hải quan phô tô do doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu cung cấp với tờ khai gốc; không đối chiếu, kiểm tra thực tế thiết bị nhập khẩu theo hồ sơ đã giải ngân, bộ hồ sơ nhập khẩu không có các biên lai thu thuế, lệ phí hải quan, không có chứng từ vận chuyển. Đối với 2 lần giải ngân sau cùng, giải ngân khi bộ hồ sơ nhập khẩu không đầy đủ, không có tờ khai hải quan (kể cả tờ khai phô tô).

Bị cáo Hoàng, Hùng từng khai nhận đứng tên giám đốc, phó giám đốc công ty do vợ chồng Giang nhờ vả. Khi ký giấy tờ, hồ sơ, các bị cáo không đọc, không hiểu nội dung.

Sau khi xử lý một số tài sản bảo đảm, hiện nay dư nợ gốc còn 28,3 tỷ đồng. Ngân hàng tính lãi đến ngày 14/6/2017 là 57 tỷ đồng.

Chuyên đề