Vụ án PVP Land: Tham ô qua giá chuyển nhượng CP

(BĐT) - Sau phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), dự kiến từ ngày 24/1/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục đưa ra xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí (PVP Land). 
Dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Lê Tiên

Trong cả hai vụ án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC đều bị truy tố tội Tham ô tài sản.

Bán cổ phần giá thấp rút tiền chênh lệch

Theo cáo trạng, đầu năm 2010, Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5) cùng Nguyễn Thị Kim Thoa (Kế toán trưởng) thông qua sự môi giới của cá nhân kinh doanh tự do là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy để mua toàn bộ 9.584 m2 đất tại xã Mỹ Đình - chính là Dự án Nam Đàn Plaza.

Dự án này do Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương làm chủ đầu tư. Công ty này có 5 cổ đông sáng lập gồm: PVP Land (50,5%), Công ty CP Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam (14%); Công ty TNHH Nam Hà Thành (5,5%); Công ty CP Đầu tư Vietsan (25%) và một cá nhân sở hữu 5%.

Theo thỏa thuận ban đầu, Lê Hòa Bình sẽ mua 100% cổ phần Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương và ký hợp đồng đặt cọc 100 tỷ đồng với giá 20.756 đồng/CP tương đương 52 triệu đồng/m2 đất Dự án Nam Đàn Plaza. Thực tế, Lê Hòa Bình đã tiến hành mua cổ phần của 4 cổ đông theo giá thỏa thuận ban đầu. Riêng với cổ đông PVP Land, giá mua chỉ là 13.578 đồng/CP, tương đương với 34 triệu đồng/m2 đất Dự án Nam Đàn Plaza.

Sở dĩ có việc bên bán chủ động giảm giá là vì các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chuyển nhượng giá thấp để rút tiền chênh lệch nhằm chiếm đoạt 87 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, PVC khi đó sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land. PVC cử Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh làm người đại diện phần vốn tại PVP Land. Đào Duy Phong giữ vị trí Chủ tịch HĐQT còn Nguyễn Ngọc Sinh là Tổng giám đốc.

Khi PVP Land muốn bán cổ phần tại Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương thì Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh với tư cách là người đại diện phần vốn của PVC phải báo cáo và được sự chấp thuận của Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC - người có thẩm quyền quyết định đối với việc chuyển nhượng.

Để “tác động” đến Trịnh Xuân Thanh, Thái Kiều Hương (Công ty CP Vietsan) đã gặp Đinh Mạnh Thắng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà – PVSD), là em trai ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV PVN nhờ giúp đỡ để gặp Trịnh Xuân Thanh. Cuộc gặp diễn ra vào khoảng cuối tháng 3/2010. Đến ngày 30/3/2010, Nguyễn Ngọc Sinh có tờ trình xin phê duyệt bán vốn với giá không thấp hơn 13.500 đồng/CP tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án. Với mức giá này, tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, các tài liệu điều tra cho thấy, trong việc chuyển nhượng cổ phần đã có sự móc nối, chỉ đạo, thực hiện giữa các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và sự đồng tình của Lê Hòa Bình để ký hợp đồng với giá thấp hơn giá trị thực tế, rút tiền chênh lệch chia nhau. 

Đường đi của valy tiền tỷ

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành quyết định đưa vụ án nói trên ra xét xử. Thời gian xét xử dự kiến từ ngày 24/1 - 6/2/2018, bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Hội đồng xét xử gồm 5 người do Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền làm Chủ tọa phiên tòa. Tòa bố trí một thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Viện kiểm sát cử 2 kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử và bố trí 1 kiểm sát viên dự khuyết. Tòa cũng quyết định triệu tập 10 người làm chứng, 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 1 phiên dịch và một nguyên đơn dân sự (PVP Land).

Về khoản tiền chênh lệch 87 tỷ đồng, Lê Hòa Bình đã chi 49 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng. Lần đầu, sau khi đặt cọc 100 tỷ đồng, Bình đã chuyển 5 tỷ đồng cho Đinh Mạnh Thắng thông qua Công ty Vietsan. Các cá nhân ở Công ty Vietsan đã rút tiền và đưa cho Thắng.

Tiếp đó, Lê Hòa Bình nhận được yêu cầu chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Số tiền này được Lê Hòa Bình lấy từ Công ty Minh Ngân (một công ty do Bình chi phối) và chuyển cho Thái Kiều Hương. Theo hướng dẫn của Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương đã đem 14 tỷ đồng đến nhà đưa cho vợ Thắng. Ngày hôm sau, theo hướng dẫn của Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng cho tiền vào valy (có bánh xe kéo) đưa cho Nguyễn Đặng Toàn (là lái xe của Trịnh Xuân Thanh) để chuyển lại cho Thanh.

Tại cơ quan điều tra, Trịnh Xuân Thanh khai có nhận được valy đựng tiền, mở ra nhưng không đếm, gọi điện hỏi Thắng, Thắng nói là “biếu sếp chút quà”.

Đào Duy Phong được nhận 10 tỷ đồng và đưa lại cho Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng. Đặng Sỹ Hùng nhận 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Lê Hòa Bình còn khai chi 13 tỷ đồng môi giới cho Huỳnh Nguyễn Quốc Duy nhưng Duy khai chỉ nhận 11 tỷ đồng.

Về việc khắc phục hậu quả, Đào Duy Phong đã nộp 10 tỷ đồng; vợ Đặng Sỹ Hùng rút sổ tiết kiệm nộp 12 tỷ đồng gốc; hơn 900 triệu đồng tiền lãi và nộp khắc phục thêm 500 triệu đồng... Riêng số tiền 19 tỷ đồng Đinh Mạnh Thắng đã nộp, sau khi vụ án Lê Hòa Bình bị khởi tố, Thắng và Trịnh Xuân Thanh đã trả lại thông qua Thái Kiều Hương...

Chuyên đề