Vinasun tiếp tục đòi Grab bồi thường thêm 36 tỉ đồng

Ngày 17/1, TAND Cấp cao tại TPHCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường 36,3 tỉ đồng còn lại cho Vinasun.
Vinasun tiếp tục đòi Grab 36 tỉ đồng.
Vinasun tiếp tục đòi Grab 36 tỉ đồng.

Vinasun kháng cáo về nội dung tòa bác một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, không tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 36,3 tỉ đồng.

Theo Vinasun, trong phần nhận định, HĐXX đã xác định kết quả giám định của công ty cổ phần thẩm định – giám định Cửu Long là có căn cứ; thiệt hại thực tế của Vinasun là có thực; Grab có hành vi trái pháp luật khi thực hiện hành vi kinh doanh taxi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế của Vinasun với hành vi trái pháp luật của Grab… để cho rằng hành vi trái pháp luật của Grab gây thiệt hại cho Vinasun đối với phần giảm giá trị vốn hóa thị trường.

Tuy nhiên, sau đó HĐXX lại lập luận phần giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của Vinasun, của nhà đầu tư, không thể tách bạch thiệt hại nào do Grab gây ra và phần thiệt hại nào do các yêu tố khác. Cho nên HĐXX đã bác yêu cầu bồi thường thiệt hại này của Vinasun để không buộc Grab bồi thường hơn 36,3 tỉ đồng là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinasun. Vì vậy, Vinasun đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Cùng thời điểm, TAND TPHCM cũng phát hành và công bố bản án sơ thẩm. Trong quyết định của bản án sơ thẩm, HĐXX có nhiều kiến nghị tới cơ quan chức năng.

Theo bản án sơ thẩm, trong quá trình thực hiện Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Grab đã ứng dụng công nghệ phần mềm trong kinh doanh vận tải, đem lại nhiều tiện lợi cho người dân, đặc biệt là những người sử dụng dịch vụ của Grab về chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện vận tải, giá cả minh bạch, kết nối nhanh chóng.

Do đó, cần duy trì và phát triển mô hình kinh doanh vận tải bằng phần mềm công nghệ vì đây là sự phát triển tất yếu của thời đại.Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn tồn tại nhiều hạn chế như việc cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của Grab. Từ mô hình hoạt động kinh tế chia sẻ ở các nước, khi nhà dân có ôtô kết nối vận tải giảm chi phí, giảm ách tắc giao thông, đem lại hiệu quả kinh tế nhưng khi áp dụng vào thị trường Việt Nam thì còn nhiều bất cập.

Với hoạt động theo mô hình như Grab thì trên thế giới chưa có nước nào tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải. Vì vậy, Bộ GTVT, cơ quan chức năng cần thay đổi cơ chế quản lý cho phù hợp.

Thứ hai, từ chính sách kinh doanh bất bình đẳng, Grab đã tăng giảm giá tùy tiện khiến các cơ quan chức năng không thể quản lý được. Đã kinh doanh thì phải đóng thuế theo ngành nghề kinh doanh.

Trong năm 2014 và năm 2016, Vinasun nộp thuế cao hơn Grab 130 lần. Việc kinh doanh của Grab có nhiều bất cập dẫn đến việc kinh doanh không lành mạnh, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, Bộ Tài chính, cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quản lý là thu thuế Grab như đơn vi kinh doanh vận tải.

Thứ ba, về trách nhiệm bảo hiểm xã hội cho người lao động, vì Grab là đơn vị kinh doanh vận tải nên quyền lợi của người lao động cần được quan tâm, thực hiện đúng quy định.

Số lượng lao động hiện nay của Grab là rất lớn, theo trình bày của Grab là 175.000 người lao động. Các đối tượng lao động cho Grab hầu như có cuộc sống khó khăn mà không có cơ chế đảm bảo phúc lợi xã hội.

Nhưng thời gian qua việc đóng bảo hiểm cho người lao động gần như không được Grab thực hiện. Mỗi năm quỹ bảo hiểm không thu được số tiền 2.800 tỉ đồng. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trách nhiệm của Grab trong việc không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Thứ tư, tăng cường kiểm soát chương trình khuyến mãi, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thứ năm, cần hạn chế số lượng ôtô đang hoạt động trong lĩnh vực này gây ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

Thứ sáu, các loại hình kinh doanh theo mô hình truyền thống cần thay đổi, áp dụng mô hình công nghệ mới, để giảm chi phí, giảm giá thành.

Từ những phân tích trên, HĐXX kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính, cơ quan bảo hiểm xã hội trong chức năng nhiệm vụ của mình cần có giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh xem xét lại thực trạng như trên.

Chuyên đề