Viện Kiểm sát: Ông Trương Minh Tuấn bị Bộ trưởng Son buộc phải ký

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt đối với bị cáo Lê Nam Trà. Bị cáo Trương Minh Tuấn được xác định là người bị buộc phải ký Quyết định 236 dưới sự chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son…
Viện Kiểm sát: Ông Trương Minh Tuấn bị Bộ trưởng Son buộc phải ký

Sáng 20/12, tại bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Lê Nam Trà từ 7-8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 16-17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt là 23-25 năm tù; bị cáo Trương Minh Tuấn từ 6-7 năm tù về tội “Vi phạm…”, từ 8-9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 14-16 năm tù; bị cáo Cao Duy Hải từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm…”, từ 10-11 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 14-16 năm tù.

Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Ông Lê Nam Trà nộp lại 2,5 triệu USD nhận hối lộ

Đánh giá vai trò từng bị cáo trong vụ án, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Lê Nam Trà là người đứng đầu MobiFone tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son trong việc mua lại cổ phần AVG. Bị cáo Trà nhận thức rõ tình trạng hiện tại ở thời điểm đó AVG yếu kém, nợ vay lớn, giá mua tư vấn cao hơn giá trị thực tế; việc thực hiện mua dự án phải thực hiện theo Luật 67, Luật 69 về đặc quyền, trình tự thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, bị cáo vẫn thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Son. Bị cáo đã cùng Cao Duy Hải chỉ đạo trực tiếp các Phó Tổng Giám đốc, các đơn vị chức năng lập dự án mua 95% cổ phần AVG trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt đầu tư dự án.

Sau khi Bộ TTTT ban hành Quyết định 236 phê duyệt đầu tư dự án, bị cáo Trà đã ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng với các cổ đông mua cổ phần AVG theo chỉ đạo của bị cáo Son; chỉ đạo cấp dưới thực hiện hợp đồng với AVG. Sau khi thực hiện mua dự án xong, bị cáo Trà được hưởng lợi 2,5 triệu đô.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo. Bị cáo cùng các lãnh đạo MobiFone chủ động khắc phục hậu quả nên cần xem xét mức áp dụng hình phạt thấp dưới khung hình phạt.

Đối với tội nhận hối lộ, bị cáo nhận số tiền lớn, đáng lẽ ra phải xử mức cao nhất nhưng bị cáo đã viết đơn tự thú trước khi bị khởi tố đối với tội danh này, thể hiện ý thức mong muốn nhận được chính sách hình sự đặc biệt của pháp luật.

Bị cáo đã tự thú, chủ động khai báo số tiền đã nhận và viết đơn đề nghị gia đình nộp lại số tiền 2,5 triệu đô, kết quả đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận. Quá trình công tác, bị cáo nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Đây là những tình tiết để bị cáo được giảm nhẹ. Do vậy, khi quyết định hình phạt cần xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt đối với bị cáo Trà.

Ông Trương Minh Tuấn bị buộc phải ký

Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TTTT, ông Tuấn đã đồng ý làm theo chỉ đạo của bị cáo Son, đã ký nhiều văn bản để triển khai dự án mặc dù biết việc mua dự án phải tuân theo Luật 67, Luật 69 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ; trình tự thủ tục đầu tư để dùng vốn Nhà nước mua lại cổ phần doanh nghiệp phải tuân thủ theo Luật 67, Luật 69.

Song, bị cáo Tuấn vẫn thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Son, ký Quyết định phê duyệt đầu tư Dự án dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, chưa được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư dự án, dẫn đến việc MobiFone ký kết các hợp đồng thỏa thuận về việc chuyển nhượng cổ phần của AVG gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Sau khi MobiFone mua cổ phần của AVG, ông Tuấn đã nhận được tiền từ bị cáo Vũ là 200 nghìn đô.

Các bị cáo nghe tòa luận tội

Tại phiên tòa đã làm rõ thời điểm bị cáo ký Quyết định 236 là trong hoàn cảnh thụ động, bị bắt buộc do không thuộc lĩnh vực phân công phụ trách và có ý kiến với Bộ trưởng Son nhưng ông Son không đồng ý và buộc bị cáo phải ký Quyết định 236.

Bị cáo là người chủ động tích cực trong chỉ đạo khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, giảm đi tính nguy hiểm của hành vi phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” do bị cáo gây ra, là cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội danh này.

Bị cáo là người nhận số tiền hối lộ ít nhất và trong quá trình điều tra đã tự thú, thành khẩn khai báo, tác động gia đình nộp lại số tiền hơn 4 tỷ đồng, là người có nhiều thành tích trong công tác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên khi quyết định hình phạt cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn ở cả 2 tội.

Cựu Tổng Giám đốc MobiFone viết đơn tự thú

Bị cáo Cao Duy Hải, với vai trò của mình, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trà, Hải đã ký các quyết định thành lập tổ chuyên môn giúp việc, các văn bản có liên quan lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình. Sau khi thương vụ này thành công, Hải đã nhận số tiền 500 nghìn đô từ bị cáo Vũ.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã làm rõ nguyên nhân, hoàn cảnh của bị cáo. Khi bị cáo về công tác thì dự án đã được triển khai. Khi thấy Trà phân công thực hiện dự án, bị cáo đã có băn khoăn về việc thực hiện nhưng phải làm theo chỉ đạo của Trà cũng như Quyết định 236 của Bộ TTTT.

Bị cáo từ chối ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG; chủ động, tích cực tham gia khắc phục hậu quả vụ án, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, cùng lãnh đạo MobiFone chủ động khắc phục hậu quả nên cần xem xét áp dụng hình phạt dưới khung cho bị cáo.

Đối với tội nhận hối lộ, bị cáo được nhận số tiền ít thứ 2 so với các bị cáo. Bị cáo đã viết đơn tự thú trước khi bị khởi tố bổ sung và cũng đã ý thức với mong muốn nhận được chính sách hình sự đặc biệt của pháp luật. Trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, có nhiều huân huy chương, bằng khen…, do vậy cần xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt.

Chuyên đề