Vì sao ống chất lượng kém lọt vào hệ thống cấp nước sạch Sông Đà?

Tuyến ống cốt sợi thủy tinh sản xuất theo công nghệ Trung Quốc cung cấp cho dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội dù phồng rộp, tách lớp, nhiều vết nứt rạn, mỏng... vẫn được lắp đặt khiến liên tục bị vỡ.

TAND Hà Nội đang thụ lý hồ sơ vụ án, chuẩn bị xét xử 9 người liên quan trách nhiệm trong 14 lần vỡ đường ống nước Sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng sinh hoạt của người dân thủ đô.

Các nghi can gồm: ông Hoàng Thế Trung (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội), Nguyễn Văn Khải (nguyên phó giám đốc Ban quản lý), Trương Trần Hiển (nguyên trưởng phòng vật tư, thiết bị, Ban quản lý), Trần Cao Bằng (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Vũ Thanh Hải (nguyên phó giám đốc), Đỗ Đình Trì (nguyên trưởng đoàn tư vấn giám sát Công ty Cổ phần nước và môi trường Việt Nam - Viwase), Bùi Minh Quân (nguyên phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và kinh doanh thiết bị thuộc Viwase), Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ Viwase), Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ Viwase).

Phần lớn các bị can được tại ngoại. Với việc bị truy tố theo điểm b khoản 2 điều 229 Bộ luật Hình sự (tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng), 9 nghi can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Theo hồ sơ vụ án, thực hiện chủ trương phát triển đô thị và môi trường của chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông với yêu cầu xây dựng hệ thống cấp nước lâu dài, bền vững, Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đầu tư dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội với công suất 600.000 m3 một ngày đêm. Trong 8 hạng mục chính có tuyến ống truyền tải nước sạch 46km từ nhà máy đặt tại xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đến điểm cuối đường vành đai 3, Khuất Duy Tiến (Hà Nội) để phân phối vào mạng lưới, đưa nước đến hộ tiêu dùng.

Vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư lựa chọn dùng ống gang dẻo với 5 đoạn tuyến ống đường kính 1.500mm, 1.600mm, 1.800mm nhưng sau đó được HĐQT Vinaconex đổi sang ống composite cốt sợi thủy tinh.

Để có sản phẩm này, Vinaconex góp vốn, thành lập Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Theo quyết định chỉ định nhà thầu của HĐQT Vinaconex, HĐQT Viglafico ký hợp đồng mua bán dây chuyền sản xuất ống với nhà thầu cung cấp là Công ty TNHH Thương mại Dụ Hòa (Trung Quốc). Đầu năm 2005, thiết bị, dây chuyền sản xuất được nhập về, lắp đặt tại nhà máy đặt trong Khu công nghệ cao Phú Cát, huyện Quốc Oai.

Đường ống dẫn nước Sông Đà - Hà Nội bị phát hiện mặt cắt ngang có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa.

Từ giữa tháng 3/2005 đến cuối năm 2008, Viglafico cung cấp cho dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội hơn 5.000 chi tiết sản phẩm gồm ống, phụ kiện ống. Kết quả điều tra xác định, các sản phẩm này không được thí nghiệm, kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu cơ lý mà doanh nghiệp đã công bố và cam kết áp dụng. Cụ thể, nhà thầu sản xuất không thử nghiệm 2 chỉ tiêu cơ lý sản phẩm về "độ biến dạng uốn hướng vòm dài hạn" và "áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn" thực hiện trong 10.000 giờ như quy định trong tiêu chuẩn sản xuất mà chủ đầu tư đã phê duyệt áp dụng cho dự án.

Bên cạnh đó, việc thí nghiệm kiểm tra, công nhận một số chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm chỉ được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viglafico trong khi chưa được cơ quan chức năng công nhận là Phòng thí nghiệm hợp chuẩn.

Quá trình vận hành, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 26/9/2015, tuyến ống đã vỡ liên tiếp 14 lần với 18 cây ống bị phá hủy gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bức xúc trong xã hội. Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị khai thác đường ống dẫn nước, phải chi phí gần 13,5 tỷ đồng để khắc phục sự cố, phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt trong hơn 340 giờ gây ảnh hưởng đời sống của khoảng 177.000 hộ dân tại Hà Nội.

Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh Viglafico sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế của chủ đầu tư. Các mẫu ống do Bộ thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Lỗi này do đơn vị sản xuất không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.

Quá trình thi công, các đơn vị liên quan là Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống bị lỗi tại mặt cắt ngang như phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước rạn xung quanh thành ống, không đạt độ dày thiết kế, màu sắc và các vật liệu không đồng đều... nhưng vẫn cho lắp đặt.

Theo cáo buộc, những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại.

Với 18 cây ống bị vỡ, ông Thống phải chịu trách nhiệm về việc ký chấp nhận cho lắp đặt và xác nhận 10 cây, Quân chịu trách nhiệm 6 cây, ông Hùng 2 cây.

VKSND Tối cao nhận định trong vụ án có trách nhiệm của các thành viên HĐQT Vinaconex thời kỳ đó gồm ông Phí Thái Bình (chủ tịch), Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành khi quyết định chuyển dùng ống cốt sợi thủy tinh mà chưa thẩm định hiệu quả sử dụng. Nhà thầu được lựa chọn là đơn vị thiếu năng lực, kinh nghiệm.

Tuy nhiên cho rằng HĐQT Vinaconex muốn tiết kiệm chi phí đầu tư, thu hồi vốn nhanh và không biết việc làm vi phạm các quy định trong quá trình sản xuất, nghiệm thu, lắp đặt của 9 nghi can nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) sẽ xem xét và xử lý sau.

Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của nhiều ngân hàng, vốn tự có và một số nguồn khác.

Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp 122 tỷ đồng.

Chuyên đề