Vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng: Do quy trình hay con người?

 Ngoài tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng còn tuân thủ nhiều quy định, quy chế mà Ngân hàng Nhà nước ban hành. Vậy nhưng, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn nảy sinh nhiều vi phạm, xuất phát từ cả lỗi của con người và quy trình thực hiện.
Có nhiều vấn đề “nóng” trong xử lý nợ, đặc biệt khi tài sản đảm bảo là bất động sản
Có nhiều vấn đề “nóng” trong xử lý nợ, đặc biệt khi tài sản đảm bảo là bất động sản

Nuôi ong tay áo

Vụ án Vũ Thanh Tùng (SN 1982, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) chiếm đoạt 25 tỷ đồng của HDBank là một ví dụ. Năm 2011, Tùng được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng HDBank, kiêm Trưởng Quỹ tiết kiệm Long Biên thuộc HDbank - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Năm 2012 - 2013, ngân hàng này áp dụng chính sách ưu đãi đối với khách hàng VIP. Điểm nổi bật trong chính sách này là khách hàng thường xuyên gửi tiền số lượng lớn sẽ không phải đến Ngân hàng giao dịch, mà nhân viên sẽ tới tận nhà phục vụ. Khách hàng chỉ cần ký xác nhận vào các giao dịch do nhân viên mang tới.

Lợi dụng điều này, Vũ Thanh Tùng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách nhận tiền, nhưng giao sổ giả cho khách hàng. Tiền nhận được, Tùng không giao nộp về Ngân hàng, mà sử dụng chi tiêu cá nhân.

Thực tế cho thấy, các vụ vi phạm thể hiện bức tranh muôn mặt của tội phạm. Từ cá nhân, DN sử dụng chiêu trò lừa đảo ngân hàng, đến cán bộ ngân hàng, thậm chí lãnh đạo cao cấp “ôm tiền” bỏ trốn. Vì lẽ đó, ngân hàng luôn chú trọng đến vấn đề nhân sự. Nhân sự yếu kém vô tình tạo lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng, còn đạo đức nghề nghiệp yếu dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong vụ việc nêu trên, Vũ Thanh Tùng lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng làm tất cả thủ tục, sau đó đến nhà giao sổ tiết kiệm giả và các chứng từ cho khách hàng ký. Thậm chí, biết sơ hở của nhân viên quản lý con dấu, Vũ Thanh Tùng lấy con dấu của Ngân hàng để đóng vào các sổ tiết kiệm và hợp đồng giả. Cơ quan điều tra còn làm rõ việc Tùng giả chữ ký của các kiểm soát viên, giao dịch viên... 

“Nắm đằng chuôi” vẫn không chắc

Bộ luật Dân sự đã có quy định về 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, song thực tiễn bộc lộ nhiều tình huống bất cập. Chẳng hạn, người vay cầm cố xe ô tô (ngân hàng giữ giấy tờ xe), sau đó báo mất giấy tờ xe với Cơ quan đăng ký xe để xin cấp lại, rồi đem bán xe. Như vậy, dù đã “nắm đằng chuôi”, nhưng trong nhiều vụ việc, ngân hàng vẫn bị thiệt hại vì khó thu hồi nợ.

TAND TP. Hà Nội từng xét xử đối tượng chuyên làm giấy tờ giả nhằm bán xe ô tô thế chấp. Đó là Phạm Xuân Đắc (SN 1976, trú ở phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - nguyên Giám đốc CTCP Thương mại Xây dựng và Du lịch Trường An, chuyên cho thuê xe ô tô tự lái. Đi ngược với kế hoạch làm ăn tử tế, Đắc đã lợi dụng pháp nhân để vay tiền ngân hàng mua ô tô hoặc mượn, thuê phương tiện của nhiều cá nhân, sau đó... bán đứt.

Một trong những phi vụ lừa đảo là Đắc cùng vợ ký hợp đồng vay 800 triệu đồng của VIBank để mua 2 ô tô Chevrolet Cruze. Theo yêu cầu của Ngân hàng, sau khi mua xe ô tô, Đắc buộc phải giao lại giấy tờ cho VIB làm tài sản thế chấp. Nhưng đối tượng đã ma mãnh hoang báo bị mất giấy tờ xe và được cơ quan chức năng cấp lại. Cầm “bảo bối” trong tay, Đắc nhanh chóng bán 2 chiếc ô tô đã thế chấp.

Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề “nóng” trong xử lý nợ, đặc biệt khi tài sản đảm bảo là bất động sản. Khi không trả nợ, ngân hàng buộc phải xử lý tài sản đảm bảo, nhưng nảy sinh nhiều nhiều vấn đề như hợp đồng thế chấp không được đăng ký giao dịch bảo đảm, hoặc trong hợp đồng có người trong hộ khẩu không ký. Thỏa thuận bất thành, vậy là kéo nhau ra tòa. Do vi phạm một trong những điều kiện trên, nên có trường hợp hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu, ngân hàng “mất sạch”.

Mới đây, một ngân hàng đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên vô hiệu hợp đồng xung quanh tranh chấp nhà, do hợp đồng thế chấp ký sau hợp đồng tín dụng 3 ngày. 

Bài học đắt giá

Mỗi vụ án có tình huống riêng, những hoàn cảnh đặc thù dẫn đến tội phạm xảy ra, tiền chảy ra ngoài ngân hàng. Kèm với đó là những bài học đắt giá và không phải lúc này cũng như nhau. Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội), một trong những khâu dễ bị sơ hở nhất chính là thẩm định hồ sơ.

Thực tế, đây là khâu quan trọng, nhưng việc hậu kiểm thường sơ sài, hoặc không có, khiến hồ sơ vay vốn được thông qua dễ dàng. Khi bỏ qua các thẩm định cần thiết và giải ngân xong, dẫn đến hậu quả sau này không thể khắc phục, nếu vi phạm nhẹ thì cán bộ ngân hàng không thu hồi được vốn bị xử lý nội bộ, trường hợp nghiêm trọng phải đáo tụng đình.

Những vụ việc tổ chức tín dụng và DN kéo nhau ra tòa vì lý do trên không phải là hiếm. 

Chuyên đề