Văn bản xác nhận của cơ quan thuế gửi sau thời điểm đóng thầu

(BĐT) - Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 Khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu...
Văn bản xác nhận của cơ quan thuế gửi sau thời điểm đóng thầu

Hỏi: Công ty X tham dự đấu thầu rộng rãi trong nước gói thầu xây lắp. Do sơ suất, trong hồ sơ dự thầu (HSDT) của Công ty nộp cho bên mời thầu không đóng kèm văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Vì vậy, sau khi đóng thầu (9h ngày 25/8/2016), Công ty mới gửi văn bản xác nhận của cơ quan thuế (văn bản xác nhận của cơ quan thuế ký ngày 26/8/2016) trong đó xác nhận tính đến ngày 25/8/2016, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Vậy, Công ty có được dùng văn bản xác nhận của cơ quan thuế sau thời điểm đóng thầu như nêu trên để chứng minh năng lực về tài chính của mình và văn bản xác nhận này có được chấp nhận, đánh giá hay không? 

Trả lời: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 Khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT), căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 Khoản 1 và Khoản 2) quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp HSDT của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. Trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện HSDT thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của HSDT.

Đối với trường hợp nêu trên, việc sau thời điểm đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện trong HSDT đã nộp thiếu văn bản xác nhận của cơ quan thuế thì nhà thầu được phép bổ sung văn bản xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế để chứng minh năng lực tài chính của mình sau thời điểm đóng thầu. Trong trường hợp này, bên mời thầu phải tiếp nhận văn bản xác nhận của cơ quan thuế để làm cơ sở đánh giá HSDT của nhà thầu.

Trường hợp việc xác nhận của cơ quan thuế diễn ra sau thời điểm đóng thầu thì bên mời thầu, tổ chuyên gia phải xem xét đến các yếu tố về thời điểm lập tờ khai nộp thuế, thời điểm nộp tiền đóng thuế của nhà thầu. Nếu thời điểm lập tờ khai nộp thuế, thời điểm nộp tiền đóng thuế của nhà thầu được thực hiện trước thời điểm đóng thầu thì văn bản xác nhận việc nộp thuế của cơ quan thuế được coi là hợp lệ để xem xét, đánh giá; ngược lại, nếu là sau thời điểm đóng thầu thì được coi là không hợp lệ.

Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu, trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu không phát hiện ra HSDT của mình thiếu văn bản xác nhận của cơ quan thuế thì trong quá trình đánh giá HSDT, bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu chứng minh đến trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định (yêu cầu nhà thầu bổ sung văn bản xác nhận của cơ quan thuế) để làm cơ sở đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu.

Chuyên đề