Tư duy mới trong xây dựng Luật Quy hoạch

(BĐT) - Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Quy hoạch, nhưng Dự án Luật này đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá có nhiều điểm mới, đột phá trong tư duy xây dựng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bỏ quy hoạch sản phẩm là đột phá

Trong quá trình thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Luật có dự kiến Danh mục quy hoạch ngành, bỏ quy hoạch sản phẩm. Việc bỏ quy hoạch sản phẩm được đánh giá là một trong những điểm đột phá để tránh tình trạng lạm phát quy hoạch. Về quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Dũng đồng thuận với việc không lập quy hoạch sản phẩm vì loại quy hoạch này thường lập khi có độ trễ so với thị trường, do đó không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. “Lập quy hoạch sản phẩm là hình thức hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp (DN). Sản phẩm nên để cho thị trường quyết định” – ông Dũng nêu quan điểm.

Giải trình thêm về quan điểm của cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho biết, tại các buổi làm việc với Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo Luật, Bộ này muốn giữ lại quy hoạch ngành, sản phẩm với dẫn chứng trong lĩnh vực công thương, có cả quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, trong nền kinh tế thị trường, nếu lấy quy hoạch để cho người này có quyền đi xuất khẩu gạo, người kia không được là không đúng, có chăng thì chỉ đặt ra điều kiện để các DN đáp ứng một số tiêu chí thì được xuất khẩu gạo. Quy hoạch cá tra, cá rô phi… là những sai lầm, bởi khi đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, nguồn lực không chỉ của Nhà nước, mà còn của xã hội, của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, nên sản phẩm đó phát triển được đến đâu là do yêu cầu của thị trường. “Chúng ta đặt ra những bản quy hoạch sản phẩm mà không kiểm soát được thực tiễn phát triển của nền kinh tế, của thị trường thì chúng ta không quản lý được gì cả” – Thứ trưởng Đông khẳng định. 

Quy hoạch phải có tính kế thừa

Về hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, Dự thảo Luật đang đặt ra 2 phương án. Phương án 1 là sau khi các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập, Bộ KH&ĐT sẽ tiến hành rà soát để tổng hợp thành Tổng thể quy hoạch quốc gia. Phương án 2 quy định quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được lập trước để định hướng cho các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn.

Về quan điểm cho rằng, Luật Quy hoạch sẽ làm phá vỡ nhiều quy hoạch hiện nay, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, khi làm quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích hợp, các quy hoạch ngành sẽ điều chỉnh lại theo tinh thần quy hoạch tổng thể. Khi đó, các quy hoạch vẫn phải thừa kế và giữ lại những điều phù hợp với thực tế phát triển, những gì không phù hợp thì phải chỉnh sửa.

Ông Phan Văn Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu quan điểm ủng hộ việc quy hoạch phải làm từ trên xuống. Theo ông Bình, quy hoạch bắt buộc phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Đảng và như vậy quy hoạch phải tuân theo những quan điểm này.

Không đồng thuận nhưng cũng không phản bác, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cả 2 phương án này đều chưa thỏa đáng và cần phải hài hòa cả 2 phương án đó. Những nơi không đụng chạm đến quy hoạch cấp quốc gia thì để cho các địa phương chủ động xây dựng quy hoạch. Nếu chỉ theo phương án 2 thì các địa phương sẽ bị động trong kế hoạch phát triển.

Các thành viên Thường vụ Quốc hội cũng đặt vấn đề, Dự thảo Luật Quy hoạch phải làm rõ việc ai, cấp nào có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội phải có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, vì hiện tại quy hoạch đất đai cũng do Quốc hội phê duyệt.

Chuyên đề