Triệu tập gần 200 người trong phiên xử vụ án VN Pharma vào ngày 24/9

Ngày 24/9, gần 200 người sẽ được triệu tập tới phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần VN Pharma cùng 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có khung hình phạt lên đến tử hình.

Phiên tòa do ông Phạm Lương Toản (chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa phiên tòa. Đại diện Viện kiểm sát là bà Nguyễn Quỳnh Lan và ông Nguyễn Nhật Tuấn.

Để làm rõ các vấn đề của vụ án, HĐXX quyết định triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định Bộ Y tế. Công ty VN Pharma, Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM và Cục quản lý dược cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, tòa án còn triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Những người bị triệu tập có ông Nguyễn Tất Đạt, bà Tăng Thị Diệu Linh và ông Trương Quốc Cường (hiện nay, ông Cường là Thứ trưởng Bộ Y tế và thời điểm vụ án xảy ra vụ án thì ông Cường là Cục trưởng Cục quản lý dược).

Triệu tập gần 200 người trong phiên xử vụ án VN Pharma vào ngày 24/9 ảnh 1

Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm chuẩn bị hầu tòa.

Đây là phiên tòa sơ thẩm lần 2, trước đó, tháng 7/2017, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu. 7 bị cáo còn lại trong vụ án bị kết án về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Sau khi bản án được tuyên, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hành vi của các bị cáo là buôn bán thuốc chữa bệnh giả chứ không phải hành vi buôn lậu.

Tháng 10/2017, toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. HĐXX nhận định tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo cùng một tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện, chưa phản ánh hết nội dung vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nhân viên công ty TNHH hàng hải quốc tế H&C), nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người.

Theo kết luận điều tra, công ty cổ phần VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011 do Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên.

Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Một trong những nội dung quan trọng mà tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại là có hay không việc VN Pharma chi tiền "hoa hồng" để đưa thuốc giả vào bán tại các bệnh viện?

Kết quả điều tra lại thể hiện Nguyễn Minh Hùng và ban giám đốc VN Pharma đã có chủ trương chi tiền cho trình dược viên sử dụng vào mục đích tiếp cận bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng để phục vụ cho hoạt động bán thuốc.

Trên thực tế, từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015, VN Pharma đã sử dụng 14,1 tỉ đồng để chi phí cho hoạt động bán thuốc vào các bệnh viện.

Đây là số tiền VN Pharma nâng khống giá thuốc nhập khẩu, tuy nhiên cơ quan điều tra không xác định được đây là tiền nâng giá của lô nào. Do tiền nâng khống giá được VN Pharma nhận lại bằng tiền mặt nên không có hóa đơn chứng từ, không có sổ sách ghi chép việc thu chi.

Việc chi "hoa hồng" chỉ có lời khai của trình dược viên VN Pharama, không có tài liệu, chứng cứ vật chất chứng minh việc đưa tiền, đưa quà nên không đủ tài liệu kết luận về hành vi nhận "hoa hồng" của các cán bộ, bác sĩ bệnh viện.

Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong lĩnh vực dược phẩm, y tế, liên quan trực tiếp tới tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bị can trong vụ án là những người làm việc, hành nghề trong lĩnh vực buôn bán nhập khẩu thuốc chữa bệnh có nhận thức hiểu biết về lĩnh vực này nhưng đã lợi dụng pháp nhân công ty kinh doanh dược phẩm để thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi sự việc bị phát hiện, các bị can tìm cách đối phó, tiêu hủy tài liệu gây khó khăn cho cơ quan điều tra, vì vậy cần xử lý nghiêm.

Chuyên đề