TP.HCM tuyên chiến với vi phạm trật tự xây dựng

(BĐT) - Hành vi bao che, làm ngơ trước những vi phạm trật tự xây dựng được TP.HCM nhận diện là “tham nhũng vặt”. Tuy chỉ là “vặt” nhưng đã trực tiếp gây ra tác động cực kỳ xấu, làm méo mó bộ mặt đô thị, phá vỡ quy hoạch. 
UBND TP.HCM cam kết sẽ phân cấp, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: Hoài Đức
UBND TP.HCM cam kết sẽ phân cấp, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: Hoài Đức

Chỉ thị mới ban hành của Thành ủy TP.HCM nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng được kỳ vọng sẽ giải quyết tận gốc vấn nạn này.

Mỗi ngày gần 10 vụ vi phạm trật tự xây dựng

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên thông tin, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, có gần 126.400 giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp trên toàn Thành phố. Trong đó, GPXD nhà ở riêng lẻ chiếm 89% chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân rất cao. “TP.HCM là địa phương có nhu cầu xây dựng cao nhất cả nước. Và trong giai đoạn hiện nay, tốc độ xây dựng đang ở mức nóng”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Cũng trong thời gian này, trên địa bàn Thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD; hơn 2.570 trường hợp xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn Thành phố, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Cụ thể, năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày, năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ sai phạm/ngày. 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ sai phạm/ngày. Mức độ vi phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2018.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói trên đã phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM.  

Chỉ 1 cán bộ thanh tra lĩnh án tù vì nhận hối lộ

Theo đánh giá của Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, phần nhiều do kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực này đang bị coi nhẹ, đặc biệt là bộ phận thực thi công vụ. So với các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng có khuynh hướng mang tính "thụ động" nhiều hơn.

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ sai phạm, dư luận bức xúc cho rằng hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý xây dựng là một trong những nguyên nhân chính. Nếu không có sự lơ là, làm ngơ, thậm chí tiếp tay của đội ngũ cán bộ phụ trách trật tự xây dựng thì tình trạng này làm sao có thể diễn ra tràn lan tại các địa phương như nêu trên?

Tuy nhiên, cũng như tham nhũng trong các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó phát hiện, vì về cơ bản, cả người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày; chưa kể tham nhũng trong lĩnh vực này số tiền thường không lớn, đa số chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, hay còn gọi là "tham nhũng vặt", nên việc tố cáo của người dân hoặc sự vào cuộc của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng chưa kịp thời, dẫn đến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định gắn liền với hoạt động xây dựng công trình.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho hay, trong những năm gần đây, có trên 300 công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc). Chỉ có 1 trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp Nguyễn Đỗ Duy Hải, nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè - bị xử 1 năm tù về tội nhận hối lộ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23/CT-TU chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là một hành động thể hiện quyết tâm lớn của Thành phố để giải quyết vấn nạn này. UBND Thành phố sẽ sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị số 23 và cam kết sẽ phân cấp, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ quản lý trật tự xây dựng có biểu hiện bao che, lơ là, thiếu trách nhiệm.

Chuyên đề