Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án sử dụng đất

(BĐT) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã bổ sung quy định về các hình thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất...
Về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư còn chưa tương thích với nhau. Ảnh: Lê Tiên
Về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư còn chưa tương thích với nhau. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các cơ quan liên quan, bên cạnh hình thức đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai số 45/2013/QH13 (Luật Đất đai), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã bổ sung quy định về các hình thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có nội dung lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu theo Luật Đấu thầu. 

Còn vướng mắc, chưa tương thích

Phản ánh vướng mắc trong các quy định của các luật liên quan đến DN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư chưa tương thích với nhau. Cụ thể,Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Luật Đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể, các địa phương còn lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng luật để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án”.

Để đảm bảo sự tương thích và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang đề xuất: “Đối với dự án có sử dụng đất mà sử dụng 100% nguồn từ ngân sách nhà nước thì tiêu chí chất lượng và kỹ thuật của dự án đặt lên hàng đầu, trong khi đất là của Nhà nước thì áp dụng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất”.

Còn đối với dự án sử dụng đất mà có nguồn vốn tư nhân thì tiêu chí thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được đặt lên hàng đầu; các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật nên để chủ đầu tư tự quyết định theo quy định của pháp luật cho phù hợp với mục tiêu của dự án và số vốn họ bỏ ra. Đối với trường hợp này, Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang đề xuất áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất (Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai số 45/2013/QH13)

Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;

b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;

c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;

d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

e) Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;

g) Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;

h) Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, góp ý quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (Điều 58 Luật Đất đai), theo Đại diện Văn phòng Luật Investment Laws, cần quy định rõ phương thức giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Đại diện Văn phòng Luật Investment Laws cũng đề xuất bổ sung thêm loại hình khác như bán đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất trong các trường hợp được giao, cho thuê đất.

Về kết quả rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của DN, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... mặc dù đã có nhiều cải cách, nhưng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đặc biệt là thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho DN và là một trong những “nút thắt” cần phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. 

Nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu

Tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính tương thích trong quy định liên quan đến các dự án có sử dụng đất tại Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư là một trong những nội dung được thể hiện tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh (Dự thảo Luật).

Cụ thể, Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về các hình thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất vào Điều 118 Luật Đất đai. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật đề xuất bổ sung Khoản 4 vào Điều 118 Luật Đất đai như sau: Ngoài hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1 Điều này, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư còn được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất qua lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư.

Điều 118 Luật Đất đai hiện có quy định về các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Khoản 1 Điều 118 quy định Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong 8 trường hợp. Còn Khoản 2 Điều 118 quy định về các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất (có 8 trường hợp cụ thể và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Theo đánh giá, việc bổ sung quy định nêu trên được kỳ vọng giúp tăng cường sự minh bạch, rõ ràng trong các quy định của pháp luật đất đai liên quan đến thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, bảo đảm sự hài hòa giữa quyền, lợi ích của DN và mục tiêu, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và đầu tư. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này, theo Bộ KH&ĐT, là nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính và tạo tính thống nhất, đồng bộ về thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.

Chuyên đề