Tập đoàn SSG trong “tâm bão” đại án Hà Văn Thắm

(BĐT) - Kể từ 1/10/2016, bà Hứa Thị Phấn đã không còn là thành viên HĐQT SSG – một tập đoàn chuyên về bất động sản. Trước đó, bà Phấn đã bị Tòa án đề nghị khởi tố ngay tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh.
Tập đoàn SSG trong “tâm bão” đại án Hà Văn Thắm

Đột ngột rút khỏi vị trí thành viên HĐQT

Sau khi phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng bọn kết thúc vào ngày 9/9, Tập đoàn SSG đã có thông báo tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 14/9. Kết quả cuộc họp có sự thay đổi đáng chú ý, bà Hứa Thị Phấn đã rút lui khỏi vị trí thành viên HĐQT của công ty này. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên SSG Group ban hành ngày 1/10, HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2016 - 2020 gồm các thành viên là các bà Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Thị Tường Giang, Hứa Thị Bích Hạnh và các ông Võ Thế Minh, Đinh Ngọc Ninh.

Được biết, bà Hứa Thị Phấn đã tham gia HĐQT SSG từ năm 2012. SSG Group hiện là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP.HCM như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, Mỹ Đình Pearl, Trường quốc tế Wellspring... Hiện bà Phấn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ. Bà là cổ đông lớn và từng giữ chức vụ cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín trước khi ngân hàng này được ông Phạm Công Danh chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng.

Giữa bà Phấn, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã có giao dịch loằng ngoằng để chuyển nhượng TrustBank. Theo Kết luận điều tra số 44/C46-P11 thì đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập một số ngân hàng yếu kém. Bị can Hà Văn Thắm khi đó đã gặp bà Hứa Thị Phấn gây sức ép để bà Phấn phải chuyển giao TrustBank.

Bà Phấn và bị can Hà Văn Thắm đã ký hợp đồng chuyển nhượng 254 triệu CP TrustBank với giá trị hơn 4.468 tỷ đồng, đồng thời kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của bà Phấn tại TrustBank. Sau đó, bị can Hà Văn Thắm cho người vào tiếp quản, điều hành TrustBank. Khi này, bị can Thắm phát hiện TrustBank có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu, không có khả năng thu hồi cũng như mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên muốn bán lại TrustBank.

Vì vậy, bị can Hà Văn Thắm đã trao đổi với Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng và Danh đồng ý mua lại TrustBank. Phạm Công Danh chấp nhận trả cho bị can Hà Văn Thắm số tiền 800 tỷ đồng môi giới. 

Điều tra hành vi nâng khống giá trị tài sản thế chấp vay

Vì bản chất số tiền mua bán cổ phần là tất toán các khoản vay của bà Phấn tại TrustBank nên 3 bên là bà Phấn - bị can Thắm - Danh đã thống nhất là Hà Văn Thắm sẽ cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng dùng để tất toán 5 hợp đồng vay tiền của nhóm bà Phấn tại TrustBank và ghi nhận vào Danh trả tiền mua cổ phần. Khoản vay này được bảo đảm bằng một số tài sản, trong đó có hơn 1,6 triệu CP SSG của bà Ngô Thị Kim Huệ, hơn 860.000 CP SSG của bà Hứa Thị Phấn, 3,3 triệu CP SSG của bà Hứa Thị Bích Hạnh.

Số cổ phiếu này chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, giao dịch ít, quá trình giao dịch, mua bán chuyển nhượng phụ thuộc vào thị trường tự do và quan hệ cá nhân, khó xác định giá trị.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã khởi tố vụ án đối với bà Hứa Thị Phấn để điều tra các hành vi nâng khống giá trị các tài sản thế chấp vay để rút tiền của TrustBank – tiền thân của Ngân hàng Xây dựng. HĐXX xác định, bà Phấn và những người liên quan trong nhóm Phú Mỹ có những dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý TrustBank. Trước khi Phạm Công Danh tiếp quản ngân hàng, bà Phấn sử dụng 29 pháp nhân lập hồ sơ thế chấp tài sản giá trị thấp, hoặc không thế chấp tài sản. Từ đó, bà Phấn đã vay của TrustBank 3.581 tỷ đồng. Tòa xác định, vụ việc của nhóm Phú Mỹ có dấu hiệu tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay. Nên HĐXX quyết định khởi tố vụ án số 05 về 2 tội danh trên của bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm, chuyển Viện KSND tối cao giải quyết.

Chuyên đề