Tách bạch quản lý và kinh doanh đường sắt

(BĐT) - Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong phiên làm việc chiều ngày 12/9. Nhiều ý kiến đề xuất cần thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt và phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải.
Cần khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp mua toa tàu, đầu máy để kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Ảnh: TL
Cần khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp mua toa tàu, đầu máy để kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Ảnh: TL

Kêu gọi tư nhân đầu tư vào đường sắt

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quá trình thi hành Luật Đường sắt 2005 đã ghi nhận nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành đường sắt. Do đó, Bộ đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt 2005, trong đó có các chính sách, ưu đãi trong hoạt động đường sắt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vấn đề ưu đãi phát triển kết cấu hạ tầng nói chung có quy định tại các luật về đất đai, đầu tư, thuế và các luật liên quan khác, tuy nhiên đối với lĩnh vực đường sắt, nội dung ưu đãi, hỗ trợ vẫn còn rất ít, chưa được toàn diện và chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt. Luật Đường sắt 2005 chưa quy định việc đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại hỗn hợp tại các nhà ga như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các công trình hỗn hợp tại các nhà ga đường sắt để tận dụng tối đa công năng sử dụng đất dành cho đường sắt tại khu vực này và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Chia sẻ về thực tiễn thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, ông Đông bày tỏ, khi kêu gọi được tư nhân đầu tư vào các đầu máy, toa xe thì sẽ tăng được lượng tàu chạy trên các tuyến, bởi theo thống kê, tuyến đường sắt Bắc - Nam vào những dịp cao điểm thì mới dùng hết 19 - 20 đôi tàu, trong khi lúc bình thường chưa khai thác được hết mức này. 

Tách bạch quản lý và kinh doanh đường sắt

Những quy định trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm rất chung chung, cần rà soát kỹ các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo phương thức xã hội hóa
Cũng theo Bộ GTVT, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) còn bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về GTVT đường sắt do Luật Đường sắt 2005 mới chỉ đưa ra nguyên tắc phân định công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, mà chưa quy định rõ nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường sắt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong suốt 10 năm qua vẫn còn sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 15 năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lĩnh vực giao thông đường sắt vẫn phát triển chậm nhất. Chủ thể chính của ngành đường sắt là Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Cục Đường sắt thuộc Bộ GTVT, VNR thì vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải. Như vậy, nếu xem xét kỹ thì Bộ GTVT vừa quản lý nhà nước, vừa đại diện vốn chủ sở hữu, lại vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng lẫn kinh doanh vận tải. Đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến “bất cập” trong hoạt động kinh doanh đường sắt. “Việc không tách bạch các chức năng này dẫn đến nhiều hệ quả” – bà Nga nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần khuyến khích mạnh mẽ những doanh nghiệp mua toa tàu, đầu máy để kinh doanh vận chuyển hàng hóa.

Cho ý kiến kết luận Phiên thảo luận, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, những quy định trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm rất chung chung, cần rà soát kỹ các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo phương thức xã hội hóa.

Chuyên đề