Sửa Luật Kiểm toán Nhà nước: Cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm

(BĐT) - Thực tế cho thấy, có đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu nên Kiểm toán Nhà nước (KTNN) không thể so sánh, đánh giá chính xác, khách quan. Điều này ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chỉ dừng ở mức nhắc nhở vi phạm

Từ thực tế đó, KTNN đã đề nghị bổ sung chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Dự án Luật này đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, thực tế thi hành công tác kiểm toán những năm qua cho thấy đã có những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các hành vi vi phạm là: không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi phạm luật về tài chính, ngân sách; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN.

Số liệu thống kê năm 2017 của cơ quan kiểm toán chỉ rõ, có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN. Đặc biệt, có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu.

Mặt khác, thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, kết quả thực hiện còn thấp. Kết quả thực hiện KTNN năm 2017 tính đến 31/12/2018 chỉ đạt 73,1%. Tỷ lệ này các năm trước ở mức 76 - 78,2%.

Theo người đứng đầu KTNN, Luật KTNN và các văn bản khác hầu như chưa có các quy định về chế tài, trừ một số quy định rất chung chung như: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật”; “đề nghị/kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật” nên chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở. “Vì vậy, hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật chưa đạt được như mong muốn, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN”, ông Phớc nhấn mạnh.

Cần xác lập thẩm quyền xử phạt

Xem xét điều này từ góc độ kinh nghiệm luật pháp quốc tế, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng KTNN cho biết, Luật KTNN của nhiều nước đều quy định nội dung này. Cụ thể, Luật KTNN Liên bang Nga có một khoản riêng, Luật KTNN Trung Quốc có chương riêng, Luật Kiểm toán CHLB Đức có 1 điều...

Các nước đã tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện luật và kiến nghị của KTNN bằng biện pháp trao cho KTNN một số quyền năng nhất định, trong đó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là quyền cơ bản.

Do vậy, ông Vinh cho rằng, việc bổ sung chế tài bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là cần thiết. Ông Vinh đề xuất, trong khi chờ sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để bổ sung mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cần bổ sung vào Luật KTNN những nội dung quy định xác lập thẩm quyền xử phạt của KTNN đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Nội dung này có thể được quy định tại điều luật về quyền hạn của KTNN, Tổng KTNN và 1 điều quy định mang tính nguyên tắc, trong đó tối thiểu gồm các quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực KTNN và giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.          

Chuyên đề