Sửa các luật liên quan đến Luật Quy hoạch: Bỏ nhiều quy hoạch cản trở phát triển

(BĐT) - Việc sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch sẽ giúp những tư tưởng đổi mới, đột phá, cách mạng của Luật Quy hoạch sớm đi vào thực tế, để quy hoạch không còn là rào cản phát triển.
Một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất sẽ khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo như thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên
Một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất sẽ khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo như thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên

Quy hoạch đồng bộ để thúc đẩy phát triển

Cuối tuần trước, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 nên việc khẩn trương chỉnh sửa các luật khác cho phù hợp với Luật Quy hoạch là rất cần thiết và cũng mang tính cấp bách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình) đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định liên quan đến quy hoạch như quy hoạch điện lực cấp quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch về phát triển công nghiệp dược, quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng… Đại biểu Tuân đánh giá, việc ban hành Luật này sẽ là giải pháp quan trọng để tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những giấy tờ, giấy phép trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (đoàn Tiền Giang) đề xuất, ngoài 13 luật liên quan tại Dự thảo Luật lần này, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát và dự thảo những nội dung chỉnh sửa liên quan đến Luật Quy hoạch đối với 14 luật còn lại để kịp thời trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. 

Đề nghị bỏ một số quy hoạch về xây dựng

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết, trong 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch thì có Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đang có những vấn đề chồng chéo và chưa rõ ràng. Cụ thể, trong phần sửa đổi Luật Xây dựng có quy định quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh, vùng liên huyện và huyện. Trong khi đó, Luật Quy hoạch đã quy định toàn bộ vấn đề này. Trong Luật Quy hoạch cũng đã có hết các quy định chi tiết của các ngành kỹ thuật, trong đó xây dựng chỉ là một trong 38 ngành đó. Nhưng Luật Xây dựng lại quy định một lần nữa. "Sự chồng lấn này là không quán triệt nguyên tắc trong Luật Quy hoạch", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Đại biểu Sinh cho rằng, Luật Xây dựng chỉ nên đi vào quy hoạch chi tiết các công trình xây dựng, chứ không nên chồng lấn sang quy hoạch khác. Thời gian qua vì thấy sự chồng chéo nên đã ban hành Luật Quy hoạch và các luật khác phải đi theo Luật Quy hoạch. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ mong muốn có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo gây rất nhiều hệ lụy xấu trong thời gian qua. Ông Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh trùng lặp, quy hoạch chồng lấn gây lãng phí nguồn lực.

Về điều chỉnh quy hoạch, một số đại biểu cho rằng Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục rút gọn, đơn giản, tuy nhiên chỉ quy định chung chung là "không ảnh hưởng lớn", điều này có thể dẫn tới việc lạm dụng, điều chỉnh tùy tiện. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần quy định rõ trường hợp áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại hai luật này để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

Một số ý kiến cũng đề nghị bỏ quy định về giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch vì Luật Quy hoạch đã quy định nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị thì khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân.

Chuyên đề