Số phận pháp lý của ông Trầm Bê hiện ra sao?

Sau hơn 3 tháng điều tra bổ sung, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố ông Trầm Bê, Phạm Công Danh... trong vụ án thất thoát hơn 6.100 tỷ.
Ông Trầm Bê trong lần ra toà hồi tháng 2.
Ông Trầm Bê trong lần ra toà hồi tháng 2.

TAND TP HCM vừa nhận được hồ sơ và tài liệu điều tra bổ sung từ VKSND Tối cao về vụ án ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Động thái này được Viện đưa ra sau hơn 3 tháng điều tra bổ sung theo yêu cầu của toà, trong lần xét xử sơ thẩm kéo dài một tháng hồi đầu năm.

Theo cáo buộc, quá trình điều hành VNCB, do cần tiền để trả nợ, tăng vốn điều lệ, duy trì hoạt động và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng… ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo dưới quyền dùng tiền của VNCB đảm bảo 29 lượt công ty do Danh thành lập, vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Đến hạn trả các công ty này không có tiền nên 3 ngân hàng đã thu hồi nợ bằng tiền của VNCB trong ngân hàng mình.

Việc này khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng, nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra.

Căn cứ buộc tội các cựu cán bộ ngân hàng

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo nguyên là cán bộ tại BIDV, TPBank khẳng định không quen biết Phạm Công Danh; không biết các công ty là "sân sau" của ông Danh; không biết mục đích vay là chuyển tiền về cho ông Danh sử dụng…

Về vấn đề này, VKSND Tối cao khẳng định, dù những người này không tiếp xúc hoặc nhận chỉ đạo từ Phạm Công Danh nhưng khi thực hiện cho vay, chuyển tiền, đã cố ý bỏ qua các quy định bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước.

Việc này dẫn đến không thu hồi được tiền đã cho vay từ phương án kinh doanh, trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với các doanh nghiệp, mà phải thu nợ bằng tiền gửi của VNCB. Đồng thời, sai phạm của các cựu cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho ông Danh sử dụng tiền của VNCB vào các mục đích trái pháp luật.

Vì sao ông Trầm Bê, Phan Huy Khang bị buộc tội?

Trong quyết định trả hồ sơ, TAND TP HCM yêu cầu làm rõ việc ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) cho rằng họ cho vay cũng giống như lãnh đạo TPBank, BIDV nhưng chỉ có họ bị truy tố.

Hai ông này thừa nhận có gặp ông Danh để bàn bạc cho vay, song việc cho vay là đúng quy định của pháp luật; những sai sót là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới, các bị cáo chỉ phê duyệt chủ trương và không biết mục đích thật sự của ông Danh khi giới thiệu các công ty vay tiền.

Về vấn đề này, VKSND Tối cao cho rằng, ông Khang và Trầm Bê đã bàn bạc, thống nhất cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng. Họ biết rõ ông Danh là Chủ tịch VNCB và là đối tượng không được phép dùng tiền của chính VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình. Các bị cáo đã giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh vay tiền sử dụng và gây thiệt hại trực tiếp cho VNCB nên phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về việc ông Trầm Bê so bì "vì sao không xử lý lãnh đạo TPBank và BIDV", VKSND Tối cao lý giải, nhóm lãnh đạo TPBank đã bị truy cứu là ông Đinh Việt Cường và bà Đặng Thị Bích Thủy (Giám đốc và Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp). Riêng ở BIDV, những lãnh đạo ngân hàng có sai phạm nhưng không đủ căn cứ đồng phạm với ông Danh nên đề nghị tòa xem xét trong quá trình xét xử.

Ông Danh và cấp dưới Phan Thành Mai. 

Thu hồi hơn 6.100 tỷ của 3 ngân hàng 'là có căn cứ'

Quá trình xét xử sơ thẩm lần một, đại diện VKSND TP HCM yêu cầu thu hồi 6.126 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV và TPBank vì cho là tang vật vụ án; còn Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu không thu hồi số tiền này bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính cũng như lĩnh vực ngân hàng. Toà đề nghị cơ quan điều tra làm rõ nguồn tiền này là tang vật của hành vi sai phạm nào do ông Danh thực hiện, để xem xét quyết định.

Trong công văn trả lời, VKSND Tối cao khẳng định, việc thu hồi tiền như đề nghị của công tố viên phiên xử sơ thẩm "là có căn cứ, đúng pháp luật". Tuy nhiên, Viện cũng đề nghị toà đánh giá "tính có căn cứ" như quan điểm của Hiệp hội Ngân hàng, để cân nhắc quyết định.

Không xác định được 4.500 tỷ đồng đi đâu

Về quan điểm của bị cáo Danh cho rằng các cơ quan tố tụng phải xem xét 4.500 tỷ đồng vay được chuyển vào VNCB để nâng vốn điều lệ và đề nghị trả lại số tiền này.

Theo Viện, kết quả điều tra cho thấy số tiền trên đã hoà vào dòng tiền chung của VNCB, không thể xác định đã sử dụng cho mục đích gì. Đến ngày 26/7/2014 (ngày khởi tố vụ án) nó không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CB.

Đối với hành vi của ông Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh), quá trình điều tra Bộ Công an áp dụng quy định có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự. Do Bộ Công an không đề nghị truy tố nên VKSND Tối cao đang tiếp tục xem xét, đánh giá hành vi, áp dụng pháp luật và nếu có căn cứ sẽ đề nghị xử lý sau. Đồng thời, quá trình xét xử công khai tại tòa nếu có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội thì yêu cầu HĐXX quyết định.

Từ những nhận định này, VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố đối với ông Phạm Công Danh và 45 đồng phạm. Hiện, TAND TP HCM chưa lên lịch xét xử lại vụ án.

Hồi cuối tháng 1, trước khi vụ án được yêu cầu điều tra bổ sung, VKSND TP HCM đề nghị toà tuyên phạt ông Trầm Bê mức án "đủ răn đe" là 5-6 năm tù, ông Danh mức án 20 năm tù. Tổng hợp với bản án 30 năm ở giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ đồng), ông Danh phải chấp hành 30 năm (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).

Chuyên đề