Sập bẫy “hoa hồng”, nghìn tỷ đồng chảy vào đa cấp

Điểm chung của hầu hết các vụ án đa cấp là những khoản tiền hoa hồng khổng lồ. Chính điều này đã đánh mạnh vào lòng tham cùng sự thiếu hiểu biết của người dân, dẫn tới hàng chục nghìn người bỏ tiền vào hệ thống đa cấp, chứ không chỉ là tiểu xảo của các đối tượng lừa đảo.
Lòng tham mù quáng là yếu tố dẫn dắt nhiều người vào con đường đa cấp
Lòng tham mù quáng là yếu tố dẫn dắt nhiều người vào con đường đa cấp

Chi hoa hồng “khủng”

Mỗi khi “quả bóng” đa cấp phát nổ, với những lớp sóng sau mạnh hơn lớp sóng trước, quy mô ngày càng “khổng lồ” hơn trước, dư luận lại giật mình về hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp tại Việt Nam.

Vậy bằng thủ đoạn nào các đối tượng có thể dẫn dụ hàng chục nghìn người bỏ cả nghìn tỷ đồng vào hệ thống đa cấp?

Trong vụ án xảy ra tại CTCP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) mới bị phát hiện, nhóm đối tượng đã “mạnh tay” chi hoa hồng lên đến 65%, đồng thời khuếch trương với những chương trình khuyến mại, thi đua như Hoa hồng đại thắng, Mã đáo thành công; thậm chí là thưởng nhà, thưởng ô tô... cho đại lý. Số tiền hoa hồng được tính cho mỗi cá nhân là 8%, càng nhiều người tham gia tỷ lệ hoa hồng càng cao.

Cơ quan điều tra làm rõ, Liên kết Việt đã mạo danh DN của Bộ Quốc phòng để giới thiệu các mặt hàng như máy chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng… và kinh doanh dưới hình thức đa cấp. Đặc biệt, Công ty còn khuyến cáo khách hàng không nên nhận hàng vì nếu nhận sẽ bị khấu trừ, giảm tiền hoa hồng. Thực chất, cách kiếm tiền này là lấy tiền người mới để trả cho người cũ. Theo kết quả điều tra, hơn 45.000 người tại 21 tỉnh thành phố đã bị lừa với số tiền trên 1.900 tỷ đồng.

Ở vụ án Muaban24 xảy ra vào năm 2011, Ngô Văn Huy (giám đốc) và các đồng phạm đã lập lờ đánh lận con đen. Không được cấp phép hoạt động nhưng nhóm này đã quảng bá trên trang website muaban24.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo ra các gian hàng ảo. Các đối tượng đã tuyên truyền, lôi kéo bán gian hàng ảo trên website cho nhiều người, lấy tiền của hội viên sau trả tiền cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên để chiếm đoạt.

Tương tự, các hội viên khi giới thiệu người mới sẽ được hưởng hoa hồng. Nếu đạt VIP (với 198 gian hàng) sẽ được hưởng gần 80 triệu đồng. Khi nấc thang tăng dần, khách hàng sẽ được phong là giám đốc toàn quốc.

Tài liệu vụ án chiếm đoạt tiền theo hình thức đa cấp ở Công ty TNHH Diamond Đông Nam Á cũng thể hiện, nhóm bị can Lâm Phúc Hùng và đồng phạm đã chèo kéo khách hàng bằng gói sản phẩm đặt phòng khách sạn trên thế giới. Người tham gia trước lôi kéo người sau được thưởng bằng tiền ảo trong ví điện tử. Sau khi nộp 340 USD cho một gói dịch vụ đặt phòng, khách hàng sẽ được cấp mã số ID và được xếp vào 1 bàn du khách (gọi là bàn vàng).

Khách nào lôi kéo được 15 người tham gia thì hưởng 1.000 USD vào ví điện tử và được chuyển sang bàn kim cương. Nếu tiếp tục mời thêm 64 người, khách được thưởng 15.000 USD. Trong vụ án này, hơn 11.000 cá nhân là bị hại nhưng hàng nghìn người trong số đó vẫn chưa được xác định. 

Hiểu đúng tội danh

Hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp là gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tiền. Song trong một số vụ án như Muaban24, Tâm mặt trời, Diamond Đông Nam Á..., cơ quan tố tụng truy tố bị can, bị cáo theo Điều 226b về tội danh “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Giải thích điều này, luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và cộng sự) cho biết, hành vi lừa đảo theo điểm c, khoản 1, Điều 226b có dấu hiệu tội phạm tương ứng của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Do đó, các dấu hiệu tội phạm được áp dụng tương tự giữa hai tội danh.

Theo luật sư, để áp dụng chính xác vào tội danh nào, cơ quan tố tụng căn cứ vào công cụ, phương tiện phạm tội của người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì quy kết vào Điều 226b và ngược lại.

Ngoài ra, xét ở góc độ cấu thành vật chất và khung hình phạt áp dụng, việc áp dụng Điều 226b không có lợi hơn cho các bị cáo.

“Bản chất tại sao lại có sự phân tách giữa 2 điều luật? Thực chất chỉ là một hành vi lừa đảo, nhưng thời kỳ ban hành Bộ luật hình sự năm 1999, Việt Nam chưa phát triển công nghệ thông tin, mạng internet chưa phát triển, chưa phát sinh các dạng tội phạm công nghệ cao. Do quy định chưa đầy đủ, nên đến năm 2009, Bộ luật Hình sự sửa đổi phải bổ sung thêm tội danh quy định tại Điều 226b để đảm bảo duy trì trật tự an ninh xã hội”, luật sư Thái cho hay.      

Chuyên đề