Sai sót trong đầu tư công ở nhiều địa phương

(BĐT) - Nhiều sai sót, bất cập, hạn chế của nhiều địa phương trong phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Sai phạm điển hình được chỉ ra như thay đổi, điều chỉnh hồ sơ thiết kế nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ảnh: Tiên Giang
Sai phạm điển hình được chỉ ra như thay đổi, điều chỉnh hồ sơ thiết kế nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ảnh: Tiên Giang

Sai sót gây lãng phí ngân sách

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, Bộ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về phân bổ vốn và sử dụng vốn đầu tư ở khoảng 20 tỉnh, thành. Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề như: công tác lập, thẩm định, phê duyệt các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển; công tác lập, bố trí vốn đầu tư cho các dự án; công tác quản lý và sử dụng vốn tại các dự án; công tác triển khai, thực hiện các dự án đầu tư; công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

Qua thanh tra cũng đã phát hiện không ít sai sót gây lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước. Cụ thể, trong công tác phân bổ và quản lý vốn đầu tư phát triển, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho các dự án không đủ điều kiện bố trí vốn như dự án được phê duyệt sau ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch nhưng vẫn được bố trí vốn hoặc bố trí thừa vốn cho các dự án đầu tư nhưng không điều chuyển cho các dự án có khối lượng hoàn thành.

Bên cạnh đó, trong việc thực hiện dự án đầu tư cũng có nhiều tồn tại như: công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán – tổng dự toán còn sai sót, chưa phù hợp với quy định. Điển hình là sai về nội dung chi phí khảo sát; quy trình khảo sát, thiết kế, hồ sơ thiết kế phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án; phê duyệt nhiệm vụ khảo sát không phù hợp với cấp công trình và địa hình thực tế làm tăng chi phí khảo sát; lập dự toán khảo sát không phù hợp với quy định dẫn đến nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai khối lượng, lãng phí ngân sách; xác định quy mô không chính xác dẫn đến lập dự án có quy mô lớn hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng thực tế. 

Cần thẩm định rõ nguồn vốn

Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, để nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển thì ngay ở khâu chuẩn bị đầu tư cần chú trọng việc lập báo cáo đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là khâu đầu tiên của quá trình đầu tư, quyết định tính đúng đắn, sự phù hợp của chương trình, dự án với các mục tiêu và định hướng phát triển cũng như hiệu quả của dự án đối với phát triển nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và sự phát triển của các vùng lãnh thổ, địa phương.

Trong việc thẩm định trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phải thẩm định làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho từng chương trình, dự án cụ thể; bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công: Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án, chương trình phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và trong việc phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể phải thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đã được quy định.

Đi đôi với việc ưu tiên bố trí vốn để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản vốn ứng trước, các cấp, các ngành phải tăng cường các biện pháp không để phát sinh nợ đọng mới; hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch.           

Qua quá trình thanh tra, Bộ KH&ĐT đã phát hiện một số sai phạm điển hình trong công tác đấu thầu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước như: phê duyệt kế hoạch đấu thầu (kế hoạch lựa chọn nhà thầu) chưa đúng và đầy đủ nội dung theo quy định; chỉ định thầu và thực hiện thời gian trong đấu thầu không đúng quy định; phê duyệt kết quả chỉ định thầu sau khi nhà thầu đã triển khai thực hiện dự án; tính toán điều chỉnh giá trúng thầu vượt quá quy định…

Chuyên đề