Sai sót trong đấu thầu tại dự án BOT cầu Đồng Nai: Trách nhiệm thuộc về CC1

(BĐT) - Sau 3 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu đã lên tới hơn 2.200 tỷ đồng. Được ưu tiên đầu tư với số vốn khủng, tuy nhiên, dự án BOT này lại để xảy ra không ít sai sót. 
Nhà đầu tư bị cơ quan thanh tra yêu cầu giảm trừ 16,696 tỷ đồng khi quyết toán hoàn thành Dự án BOT Xây dựng cầu Đồng Nai. Ảnh: D. Tuấn
Nhà đầu tư bị cơ quan thanh tra yêu cầu giảm trừ 16,696 tỷ đồng khi quyết toán hoàn thành Dự án BOT Xây dựng cầu Đồng Nai. Ảnh: D. Tuấn

Đặc biệt, việc Dự án bị phát hiện lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm đang khiến dư luận hồ nghi về chất lượng công trình trọng điểm này.

Chọn nhà thầu khi chưa có dự toán được duyệt

Dự án BOT Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu bao gồm các hạng mục: Nút giao Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao Vũng Tàu, nâng cấp cầu Đồng Nai cũ và đường gom kết nối vào dự án với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.680,8 tỷ đồng. Sau 3 lần điều chỉnh, bổ sung, hiện tổng mức đầu tư Dự án đã đội lên 2.202 tỷ đồng. Dự án BOT này sử dụng gần 570 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Theo Kết luận thanh tra vừa công bố của Bộ GTVT, nhà đầu tư của Dự án - Tổng công ty Xây dựng số 1 – CC1 (Bộ Xây dựng) bị phát hiện để xảy ra nhiều sai sót trong công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án. Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ, kế hoạch đấu thầu của Dự án chưa hợp lý, chia nhiều gói thầu quá nhỏ; áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu nhưng hồ sơ yêu cầu sơ sài, không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đáng chú ý, một số gói thầu xây lắp thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công khi chưa có hồ sơ thiết kế và dự toán được duyệt. Cụ thể, tại hạng mục Thi công bệ dầm thân trụ cầu Đồng Nai mới, theo nhật ký thi công, nhà thầu thực hiện thi công từ ngày 15/11/2008 (trước thời điểm ký hợp đồng là ngày 24/12/2008).

Năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu được lựa chọn cũng bị phát hiện chưa phù hợp với yêu cầu của Dự án, quy định của pháp luật. Cụ thể, nhà thầu thẩm tra Dự án là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông Trường Thịnh không có tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm đã thẩm tra dự án tương tự; Công ty Huy Thục, Công ty Việt Hưng, Công ty CP Xây dựng 14 chưa tham gia thi công công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III tương tự; Chỉ huy trưởng Hà Đông Bắc – Công ty Huy Thục chưa tham gia Chỉ huy trưởng công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III cùng loại.

Cũng qua thanh tra, Bộ GTVT còn phát hiện, tại Công trình cầu vượt Tân Vạn, nút giao Tân Vạn TV3 (hạng mục nút giao Tân Vạn – giai đoạn 2), biện pháp thi công do nhà thầu lập và trình duyệt không phù hợp, phải điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thi công; nhiều nội dung công việc, nhà thầu không thực hiện theo hồ sơ đề xuất, biện pháp thi công được duyệt. Việc phát sinh chi phí thí nghiệm vật tư nhập khẩu theo đề xuất của nhà thầu cũng bị cho là không hợp lý. 

Tùy tiện sử dụng thầu phụ

Năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu được lựa chọn bị phát hiện chưa phù hợp với yêu cầu của Dự án BOT cầu Đồng Nai
Những sai sót của Dự án còn bị phát hiện tại Công trình Sửa chữa và nâng cấp cầu Đồng Nai cũ. Theo Bộ GTVT, việc sử dụng nhà thầu phụ cho hạng mục cào bóc bê tông nhựa tại công trình này không phù hợp với hồ sơ đề xuất khi chưa được sự chấp thuận của chủ đầu tư. Cụ thể là, sử dụng máy móc, thiết bị không đúng với hồ sơ đề xuất (hồ sơ đề xuất ghi sử dụng máy cào bóc, thực tế thi công bằng thủ công).

Việc quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng của nhà đầu tư đối với các nhà thầu tham gia Dự án cũng còn nhiều tồn tại. Hầu hết trong các hợp đồng với các nhà thầu, nhà đầu tư đều cho ứng từ 30%, 50% đến 60 - 70%. Đến nay có nhà thầu đã bàn giao công trình, nhưng chưa thu hồi được hết tạm ứng. Cụ thể, Công ty Việt Hưng nợ gần 12 tỷ đồng, Công ty Việt Hòa nợ 5,7 tỷ đồng, Công ty Mê Kông nợ 6,648 tỷ đồng. Một số gói thầu tạm ứng nhưng không thi công trong thời gian dài do không giải phóng mặt bằng được (chậm từ 8 tháng đến 12 tháng). “Đề nghị không quyết toán chi phí lãi vay vào chi phí dự án đối với các khoản tạm ứng vượt quy định, các khoản tạm ứng không thu hồi theo quy định”, Thanh tra Bộ GTVT kiến nghị.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, những tồn tại trong thực hiện Dự án đã nêu trong Kết luận thanh tra thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư là Tổng công ty Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu trực tiếp tham gia thực hiện Dự án. Nhà đầu tư bị yêu cầu tiến hành giảm trừ 16,696 tỷ đồng khi quyết toán dự án hoàn thành.

Chuyên đề