Rút gọn thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại

(BĐT) - Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc cải tiến Quy tắc tố tụng trọng tài là nhằm đáp ứng đòi hỏi về mặt pháp lý, cũng như nhu cầu thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp. 
Các doanh nghiệp kỳ vọng thời gian giải quyết các vụ tranh chấp sẽ được rút ngắn. Ảnh: Ngọc Anh
Các doanh nghiệp kỳ vọng thời gian giải quyết các vụ tranh chấp sẽ được rút ngắn. Ảnh: Ngọc Anh

Với những quy định hoàn toàn mới, giới luật sư kỳ vọng, thời gian giải quyết các vụ tranh chấp sẽ được rút ngắn, từ đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một

Tại Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài VIAC 2017 diễn ra ngày 22/2 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho rằng, công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam đang đến hồi khẩn trương và quyết liệt. Biểu hiện là tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh cải cách tư pháp. Điều này cho thấy Chính phủ đã nhìn thấy cải cách kinh tế phải đi liền với cải cách tư pháp.

Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, việc cải tiến Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC là nhằm đáp ứng sự đòi hỏi về mặt pháp lý, cũng như nhu cầu thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài. Về mặt pháp lý, Quy tắc VIAC 2017 ra đời cũng nhằm đáp ứng sự thay đổi theo Nghị quyết số 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22/3/2014 của Tòa án nhân dân tối cao liên quan đến việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp. Điểm mới nổi bật nhất của Quy tắc VIAC 2017 là bổ sung những quy định về tranh chấp từ nhiều hợp đồng (Điều 6), gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp (Điều 15).

Cũng theo ông Đạt, việc bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp thời gian qua.

Chia sẻ quan điểm này, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh thuộc Công ty Luật TNHH Bizlink cho biết, quá trình giải quyết các vụ tranh chấp và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thời gian qua phát sinh không ít khó khăn. Đặc biệt là các tranh chấp xảy ra giữa những DN ký kết cùng lúc nhiều hợp đồng. Để giải quyết các tranh chấp này, tại mỗi vụ việc, các bên liên quan phải thành lập một hội đồng trọng tài riêng, gây tốn kém nhiều chi phí và thời gian cho DN. Việc đưa quy tắc gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp là giải pháp cần thiết trong việc hỗ trợ hiệu quả cho các bên liên quan giải quyết tranh chấp.

Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí

Điểm mới nổi bật nhất của Quy tắc VIAC 2017 là bổ sung những quy định về tranh chấp từ nhiều hợp đồng (Điều 6) và gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp (Điều 15).

Bên cạnh quy định gộp các vụ kiện, Phó Tổng thư ký VIAC Phan Trọng Đạt cho biết, Quy tắc VIAC 2017 còn bổ sung thủ tục rút gọn (Điều 37). Theo đó, Hội đồng trọng tài có thể chỉ có 1 trọng tài viên, thay vì phải có tới 3 trọng tài viên như trong thủ tục thông thường. Mặt khác, VIAC hoặc Hội đồng trọng tài có thể chủ động rút ngắn bất kỳ thời hạn nào, tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ phi có sự phản đối của một bên.

Với những quy định hoàn toàn mới nêu trên của Quy tắc VIAC 2017, các luật sư kỳ vọng, thời gian giải quyết các vụ tranh chấp sẽ được rút ngắn, từ đó tiết kiệm chi phí cho DN. Theo tính toán của VIAC, các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật nếu được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp sẽ giúp tiết kiệm từ 15 - 30% phí trọng tài, đồng thời giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên.

Thống kê của VIAC cho thấy, trong năm 2016, tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp của VIAC là 153,6 ngày/vụ tranh chấp. Nhằm tiết giảm tối đa thời gian giải quyết tranh chấp, tại Quy tắc VIAC 2017, VIAC bổ sung thủ tục rút gọn. Thủ tục này hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico đánh giá, Quy tắc VIAC 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng. Đối với hoạt động ngân hàng thường hay có người thứ 3 tham gia vào các vụ tố tụng, nếu các bên tham gia đồng lòng thì sẽ rất khó thực hiện được các vụ tranh chấp thành công.

Chuyên đề