Phúc thẩm vụ Vũ “nhôm”: Cựu tướng công an góp 20% vốn “hơi”

Quá trình thẩm vấn, chủ tọa phiên phúc thẩm xử Vũ “nhôm” cùng đồng phạm làm rõ, việc cựu Trung tướng công an có tên trong danh sách cổ đông các công ty của Vũ và góp 20% vốn “hơi” là trái với Luật Doanh nghiệp.

Cách ly Vũ “nhôm” để xét hỏi các bị cáo khác

Ngày 10/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cùng hai bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu Cục trưởng B61 - Tổng cục Tình báo).

Sau phần tóm tắt nội dung vụ án và bản án sơ thẩm khá dài, tòa yêu cầu cách ly Vũ “nhôm” để xét hỏi các bị cáo khác. Trước khi bị cách ly, Vũ “nhôm” đã giao nộp thêm một số tài liệu, chứng cứ.

Bị cáo Nguyễn Hữu Bách.

Bị thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Nguyễn Hữu Bách thừa nhận đã soạn thảo văn bản trình lãnh đạo Tổng cục và Bộ Công an liên quan việc cho công ty của Vũ “Nhôm” được mua, nhận 6 bất động sản ở Đà Nẵng và TPHCM. Các văn bản này được ông soạn thảo theo chỉ đạo của cấp trên là ông Phan Hữu Tuấn, thời điểm đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.

Trả lời HĐXX, ông Bách tha thiết mong HĐXX xem xét giảm án vì cũng với hành vi soạn thảo văn bản này, bị cáo đã bị xử phạt 6 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” ở vụ án trước đó. Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang phân tích, hành vi vi phạm của bị cáo xâm hại đến khách thể nào thì bị xử lý tội danh tương ứng với khách thể đó. Tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” có khách thể khác với khách thể của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đứng trên bục khai báo, cựu trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn cho biết, năm 2009, ông cùng cấp dưới Nguyễn Hữu Bách nghiên cứu, tuyển chọn Phan Văn Anh Vũ làm tình báo viên. Ông Tuấn khai, ông cùng ông Bách giao nhiệm vụ cho Vũ “nhôm”. Tuy nhiên, đối chiếu với lời khai của ông Bách và những tài liệu chứng cứ liên quan, chủ tọa cho rằng, một mình ông Tuấn phụ trách Vũ “nhôm”. Đến tháng 9/2015, khi ông Tuấn chuyển công tác, bị cáo Bách mới nhận bàn giao hồ sơ về tình báo viên Vũ “nhôm”.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn.

Bị truy vấn về việc sử dụng bí danh là Hoàng Hữu Thân để đứng tên góp 20% vốn tại Công ty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm”, ông Tuấn vòng vo, lấy các quyết định của Cục B61 ra để biện minh. Song, chủ tọa cắt lời, chỉ rõ, hoạt động nghiệp vụ công an bắt buộc phải phù hợp pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Luật Doanh nghiệp 2005 (sau này là Luật Doanh nghiệp 2014) đều quy định, sĩ quan công an nhân dân không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp.

“Quyết định có đè được luật không?” - chủ tọa hỏi thẳng khi bị cáo Tuấn nhiều lần nói đến Quyết định của Cục B61.

Quá trình xét hỏi, tòa phúc thẩm cũng làm rõ, việc bị cáo Tuấn không góp vốn 20% như trên đăng ký kinh doanh nhưng không khai báo với cơ quan quản lý là sai phạm, trách nhiệm chính thuộc về người đại diện pháp luật Phan Văn Anh Vũ.

Trả lời về việc Vũ “nhôm” lợi dụng danh nghĩa bình phong để thâu tóm đất công, ông Tuấn nói không biết Vũ “nhôm” chuyển nhượng đất công nhưng khi bị truy vấn thì ông lại thay đổi lời khai và xin giải thích sau. Theo cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, ông đã không nghiên cứu các quy định pháp luật khi đề xuất cho Vũ “nhôm” nhận chuyển nhượng, thuê 7 bất động sản ở Đà Nẵng và TPHCM.

“Bản thân bị cáo cũng có cảm giác bị Vũ lợi dụng.” - ông Tuấn nói.

Dùng bí danh bán đất cho chính mình

Quay lại phòng xử sau khi bị cách ly, Vũ “nhôm” khẳng định bản thân giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Phan Văn Anh Vũ trả lời HĐXX.

Lời khai của Vũ cũng như lời khai của bị cáo Phan Hữu Tuấn cho thấy, năm 2009, ông Tuấn khi đang là Cục trưởng Cục B61 đã trực tiếp phụ trách, tuyển dụng Vũ vào ngành. Cùng thời điểm đó, hai công ty Bắc Nam 79 và Nova 79 được công nhận là công ty bình phong của Tổng cục Tình báo.

Đến năm 2017, theo Vũ “nhôm”, khi trên mạng internet có thông tin về vụ làm lộ bí mật Nhà nước, Bộ Công an đã chấm dứt việc để hai công ty trên làm công ty bình phong.

Xét hỏi, chủ tọa làm rõ, ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, bị cáo có 2 tên khác là Trần Đại Vũ và Lê Văn Sáu. Hai tên này bị cáo Vũ sử dụng để hoạt động nghiệp vụ.

Khẳng định hai công ty của mình luôn hoạt động đúng luật pháp, song Vũ “nhôm” phải cúi đầu thừa nhận những sai phạm mà chủ tọa tòa phúc thẩm chỉ ra.

Đó là việc hồ sơ đăng ký thành lập công ty chỉ có chữ ký của 2 thành viên trong khi có 3 cổ đông. Vũ “nhôm” thừa nhận việc này là sai và xin được giải thích nhưng chủ tọa cho biết đây là phần xét hỏi, bị cáo sẽ có thời gian nói khi bước sang phần tranh luận.

Vũ “nhôm” cũng thừa nhận việc thành lập Công ty Bắc Nam 79 là trái Luật Doanh nghiệp vì thời điểm đó bị cáo Phan Hữu Tuấn và lãnh đạo Phòng tình báo Công an TP Đà Nẵng đều không được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp. Đến khi thành lập Công ty Nova 79, ông Tuấn và Vũ “nhôm” cũng là sĩ quan công an.

Theo chủ tọa phiên tòa, việc Vũ “nhôm” dùng bí danh để tự chuyển nhượng cổ phần công ty cho chính mình (từ Phan Văn Anh Vũ sang cho Lê Văn Sáu) là hành vi vi phạm pháp luật khiến giao dịch trở nên vô hiệu.

“Vũ lại bán đất đai cho chính Vũ dù dùng tên khác, như vậy có đúng không” – thẩm phá, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang truy vấn khiến Vũ “nhôm” im lặng.

Việc Vũ vừa xin mua, rồi lại sang tên mình, bán cho người khác, theo bị cáo Phan Hữu Tuấn là lợi dụng danh nghĩa.

Ngày 11/6, tòa sẽ xét hỏi hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.

Chuyên đề