Phạt ô tô không có giấy tờ gốc, Bộ Tư pháp nói gì?

Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt, cũng như giải pháp dài hơi hơn về vấn đề xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính giấy đăng ký xe.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sáng 20/7, tại buổi họp báo quý II/2017, Bộ Tư pháp cho biết, đã giao Cục Quản lý xử phạt vi phạm hàng chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý về vấn đề xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính giấy đăng ký xe.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thông tin thêm, hiện nay, có khoảng 13 triệu phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Thực tế, khi tham gia giao thông, những người điều khiển phương tiện giao thông có thế chấp sử dụng bản sao đăng ký xe có công chứng và chứng nhận của các tổ chức tín dụng nhận thế chấp.

Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46. Mức phạt tiền đối với ô tô và xe máy áp dụng theo tinh thần, khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện là ô tô, xe máy không có đăng ký xe. Điều này dẫn đến sự hoang mang cho người dân. Nhiều người đang có ý định thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng để mua ô tô, xe máy cũng dừng việc này lại.

Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến phản ánh của một số ngân hàng và tổ chức tín dụng, luật sư..., cũng như ý kiến của Thống đốc NHNN.

"Chúng tôi thấy đây là vấn đề liên quan đến nhiều quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Cụ thể, Nghị định 163, sau đó Nghị định 11/2012 sửa đổi bổ sung, quy định việc trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển, phương tiện giao thông, bên nhận thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu các phương tiện này", ông Sơn nói.

Ông Sơn viện dẫn, theo Khoản 1 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khoản 6 Điều 323 Bộ luật Dân sự quy định quyền của bên nhận thế chấp được giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong khi đó, pháp luật về giao thông đường bộ và xử phạt vi phạm hành chính và Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy đăng ký xe. Trường hợp người điều khiển phương tiện không mang theo giấy đăng ký xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Các quy định pháp luật khác có liên quan như pháp luật về chứng thực quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ pháp luật có quy định.

"Có một thực tế là hệ thống pháp luật hiện nay chưa đồng bộ. Đó là chưa nói đến Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo giấy lái xe, thì cũng có cách hiểu là không nhất thiết phải mang theo bản chính.

Pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ, chưa bảo đảm rõ ràng, minh bạch để ai cũng hiểu giống nhau.

Người dân muốn thế chấp để mua xe thì người nhận thế chấp yêu cầu phải có bản chính. Do pháp luật quy định như vậy, nên ngân hàng không đưa vào hợp đồng nhận thế chấp, mà đưa vào dưới hình thức người thế chấp làm đơn nhờ ngân hàng, tổ chức tín dụng giữ hộ.

Yêu cầu người dân tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là khó cho người dân. Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa", ông Sơn nói thêm.

Theo ông Sơn, trong điều kiện pháp luật có những điểm không quy định cụ thể về việc người tham gia giao thông phải mang bản chính giấy đăng ký xe, phương tiện giao thông cũng là vấn đề cần nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xử lý.

Cân nhắc tất cả những yếu tố trên, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt, cũng như giải pháp dài hơi hơn.

Chuyên đề