Phát hiện gần 226.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Đó là kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) năm 2017 vừa qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên toàn tuyến. Tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: Vũ khí; ma túy; vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu; mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thuốc lá ngoại, xì gà...

Địa bàn trọng điểm tuyến cảng hàng không là các sân bay quốc tế lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex.... Đối tượng trọng điểm là doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, bưu điện, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi,…

Do khó khăn trong xử lý hình sự, nên hoạt động buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới Tây Nam Bộ vẫn còn phức tạp, gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Trước đây, các đối tượng còn dè chừng vận chuyển hàng lậu với số lượng ít, chủ yếu bằng phương tiện xe gắn máy. Hiện nay, thường xuyên xảy ra tình trạng vận chuyển hàng lậu bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tầu với số lượng lớn từ 10.000 - 40.000 bao.

Với mặt hàng đường, các đối tượng vẫn sử dụng phương thức dùng bao bì của các doanh nghiệp đường trong nước, đưa sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa nước ta.

Tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế là những tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc và Miền Trung.

Các mặt hàng chủ yếu bị buôn lậu trên tuyến biển là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng; hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, đường cát, thuốc lá, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,... Đối tượng là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa thường xuyên ra vào cảng và tàu thuyền hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hoá trên tuyến biển; khách du lịch xuất nhập cảnh theo đường biển, cư dân giáp biên thường qua lại bằng xuồng gắn động cơ, ghe máy...

Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Mặt hàng trọng điểm là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao, như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần, áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, TP.HCM, Lâm Đồng, Cần Thơ,… nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng.

Bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ trung ương đến cơ sở đã được các bộ, ngành quan tâm, thực hiện, từng bước vào nề nếp, phát huy hiệu quả.

Theo số liệu sơ bộ năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016). Số tiền thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng 7,17% so với năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với cùng kỳ), 2.118 đối tượng (tăng 13,69 % so với cùng kỳ).

Chuyên đề