Phân định rõ hơn trách nhiệm trong quản lý thị trường

(BĐT) - Vấn đề vệ sinh an toàn (VSAT) thực phẩm lâu nay rất nhức nhối và được “đổ lỗi” cho nhiều bộ, ngành như công thương, nông nghiệp, y tế... mà không đơn vị nào chịu trách nhiệm. Với việc thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT), sự phân định tránh nhiệm của các cơ quan chức năng đã rõ ràng hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng ngày 8/3, 100% số ủy viên thường vụ có mặt tại Phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý thông qua Pháp lệnh QLTT. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. 

Lực lượng chuyên trách “tuýt còi” vi phạm

Theo Dự thảo Pháp lệnh QLTT được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày, Pháp lệnh này quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng QLTT.

Lực lượng QLTT là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại...

Liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng QLTT, theo Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với phạm vi kiểm tra của lực lượng QLTT cần được quy định rõ ràng đối với tất cả hàng hóa bằng vật chất lưu thông trên thị trường, tránh trùng lắp với các cơ quan quản lý nhà nước khác, quy định “hoạt động thương mại, công nghiệp” như Dự thảo Pháp lệnh là quá rộng.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chúng ta vẫn nói đến vấn đề VSAT thực phẩm là từ cánh đồng tới mâm cơm, tuy nhiên vấn đề VSAT thực phẩm lại được “đổ lỗi” cho quá nhiều bộ ngành như công thương, nông nghiệp, y tế... mà không đơn vị nào chịu trách nhiệm. Giờ khi đưa lực lượng QLTT “nằm trên” giống như giao thông có đèn xanh – đèn đỏ và người bấm nút vi phạm là lực lượng QLTT. “Chúng ta không quy định gì về vấn đề liên quan tới vệ sinh thực phẩm, sản phẩm này làm ra có hàm lượng chất cấm, chất độc hại thế nào, thuốc này phải đảm bảo chất lượng như thế nào..., cái đó để bộ nông nghiệp và bộ y tế quy định. Nhưng có lực lượng QLTT để tuýt còi những cái trái với quy định của các bộ, và không cho những hàng hóa này lưu hành trên thị trường” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Tiến tới xây dựng Luật Quản lý thị trường

Tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH tại Phiên họp thứ 43 (ngày 10/12/2015), Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết, UBKT đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý Dự án Pháp lệnh.

Theo đó, có  ý kiến của UBTVQH đề  nghị Quốc hội ban hành Dự án Luật QLTT để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; một số ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cần bao quát thống nhất, toàn diện các vấn đề của hoạt động QLTT, tránh phân tán, chia cắt theo từng ngành.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu giải trình, việc ban hành Luật QLTT hoặc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh sẽ xung đột với các luật, pháp lệnh như Luật Thanh tra, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Luật Công an nhân dân,... Do vậy, để mở rộng phạm vi điều chỉnh, cần nhiều thời gian nghiên cứu một cách toàn diện sự tác động tới các luật khác và các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời điểm hiện nay, việc ban hành Pháp lệnh QLTT nhằm khắc phục một bước những hạn chế, bất cập, tạo sự chuyển biến kịp thời trong tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT; đồng thời kiểm nghiệm các quy định mới trong thực tiễn, trên cơ sở đó tổng kết, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật QLTT trong thời gian tới.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các quy định trong Dự thảo Pháp lệnh có đụng chạm đến quyền tự do sản xuất kinh doanh của công dân đã được Hiến định. Do đó, đề nghị cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện kỹ trước khi trình ký ban hành.

Sau biểu quyết với 100% số ủy viên thường vụ có mặt đồng ý thông qua Pháp lệnh QLTT, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu UBKTphối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện Dự án Pháp lệnh, lấy ý kiến các ủy viên lần nữa bằng văn bản để trình Chủ tịch Quốc hội ký ngay trong tháng 3 này.                

Chuyên đề